Dấu chấm hết?
Nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un phát biểu trước Quốc hội ngày 8-9.
Mọi nỗ lực phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên đã trở nên vô nghĩa khi ngày 8-9 vừa qua, Quốc hội Triều Tiên thông quamột đạo luật mới, chính thức tuyên bố là quốc gia hạt nhân, trong đó khẳng định không thảo luận về giải trừ hạt nhân và cho phép tấn công phủ đầu bằng hạt nhân.
Khi thông qua đạo luật này, Triều Tiên nêu các quan điểm rất cứng rắn, vừa hàm ý minh bạch về cách nước này sử dụng vũ khí hạt nhân, vừa có ý răn đe với khả năng tấn công phủ đầu hạt nhân. Phát biểu trước Quốc hội, nhà lãnh đạo Triều Tiên - Kim Jong Un khẳng định: “Ý nghĩa quan trọng nhất của việc luật hóa chính sách vũ khí hạt nhân là vạch ra một ranh giới không thể vãn hồi và vì vậy không có sự mặc cả về vũ khí hạt nhân của chúng ta”.
“Không mặc cả” có thể được hiểu là Triều Triên sẽ không từ bỏ việc sở hữu vũ khí hạt nhân và sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình thử nghiệm hạt nhân của mình, vốn đã bị dừng từ năm 2017.
Thực ra từ lâu nay Triều Tiên đã xác định mình là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nhưng đạo luật mới đi xa hơn khi nêu rõ khi nào vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng, trong đó bao gồm khả năng đáp trả hoặc ngăn chặn một cuộc tấn công.
Việc Triều Tiên thông qua đạo luật mới này không đồng nghĩa với việc cơ hội đối thoại để hướng tới một trật tự mới ở Đông Bắc Á hay giải quyết các mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ không còn. Ngược lại, khi tuyên bố trở thành quốc gia hạt nhân, vị thế trên bàn đàm phán của Triều Tiên còn cao hơn. Chính quyền của Tổng thống Mỹ - Joe Biden thời gian qua đã ra sức thuyết phục Bình Nhưỡng và đề nghị liên lạc với ông Kim Jong Un vào bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu. Tổng thống Hàn Quốc - Yoon Suk Yeol cũng hứa rằng Seoul sẽ viện trợ mạnh về kinh tế nếu Bình Nhưỡng từ bỏ kho vũ khí. Tuy nhiên,Triều Tiên cáo buộc Mỹ và các đồng minh duy trì "các chính sách thù địch" với nước này, như các biện pháp trừng phạt và các cuộc tập trận quân sự. Nhà lãnh đạo Triều Tiên thậm chí còn cứng rắn hơn khi so sánh việc các nước khác vẫn sở hữu vũ khí hạt nhân: “Chừng nào vũ khí hạt nhân vẫn còn trên trái đất, chủ nghĩa đế quốc còn và các hoạt động của Mỹ và những người theo họ chống lại đất nước chúng ta chưa chấm dứt, chúng ta sẽ không ngừng tăng cường lực lượng hạt nhân”.
Lập luận của nhà lãnh đạo Triều Tiên có lý khi thực tế cho thấy cách hành xử của Mỹ đối với Triều Tiên là kiểu hành xử bề trên khi luôn yêu cầu Triều Tiên “giơ chân giò” trước khi Mỹ “thò chai rượu”. Trong môi trường quốc tế thuận lợi hơn cho Triều Tiên, khi có đối thoại dưới thời chính quyền Mỹ và Hàn Quốc trước đây, Bình Nhưỡng cũng ủng hộ các đối thoại về vấn đề hạt nhân, thậm chí có những hành động đi trước để bày tỏ thiện chí. Thế nhưng, tình hình hiện nay đã thay đổi khi Washington và Seoul đã quay trở lại công thức thực tế bị Bình Nhưỡng bác bỏ: Trước hết là giải trừ hạt nhân đối với Triều Tiên, đầu tiên là các bước thực tế theo hướng này, và chỉ sau đó là đối thoại và cung cấp hỗ trợ kinh tế.
Sau những nỗ lực thất bại thời chính quyền của Tổng thống Mỹ - Donald Trump, tới nay Bình Nhưỡng không nhìn thấy bất kỳ khả năng nào về đường lối ngoại giao. Đã thế, các cuộc tập trận toàn diện mới giữa Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiếp tục. Ngoài ra, Seoul tuyên bố sẽ theo đuổi chính sách từ vị thế sức mạnh, rằng chỉ có sức ép và chỉ có các biện pháp trừng phạt mới có thể thuyết phục Bình Nhưỡng đi theo con đường giải trừ hạt nhân...
Từ những bước đi mới của Triều Tiên có thể thấy một thế cờ mới đã được bày ra trên bàn cờ địa chính trị Đông Bắc Á. Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, có học thuyết sử dụng vũ khí hạt nhân và Triều Tiên đã đặt dấu chấm hết cho mọi nỗ lực phi hạt nhân hoá. Với việc thông qua đạo luật mới, Triều Tiên chắc chắn sẽ nối lại các vụ thử hạt nhân như các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác, đẩy tình hình khu vực trở nên nóng bỏng hơn. Tuy nhiên, cánh cửa đối thoại với Triều Tiên sẽ không khép lại nếu vị thế và phương pháp đối thoại của các bên được cải thiện.
Thanh Huyền