Dấu ấn một lễ kết nạp Đảng

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (giữa) Nguyễn Thế Nghĩa, Cao Đình Hải, cùng Ban liên lạc cựu tù binh tỉnh Bắc Giang.

Đại tá Tô Diệu - Cục trưởng Cục Địch vận miền Nam, khi mang hàm Thiếu tá bị địch bắt, giấu được cấp bậc chức vụ, nhiều lần nhấn mạnh: Ở Trại giam tù binh Phú Quốc, các đồng chí là đoàn viên, là những quần chúng nhưng rất xứng đáng được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Bị tra tấn, chết đi sống lại, không cung khai cán bộ Đảng, không chào cờ địch, không hát quốc ca địch, không làm bất cứ việc gì hạ thấp nhân phẩm, cho dù ai cũng rõ: Đây là cuộc chiến đấu không có thăng quân hàm và chức vụ.

Tuy nhiên, việc kết nạp Đảng trong nhà tù là hết sức khó khăn. Hệ thống giám thị, điệp báo nằm vùng đánh hơi thấy thì Đảng sẽ bị tổn thất nặng, thậm chí dẫn đến trắng về số lượng. Nguy hiểm, khó khăn vậy nhưng vẫn phải tiến hành; càng phải tiến hành một cách trang trọng: Hoặc lấy mặt trời lúc bình minh làm Đảng kỳ; hoặc tất cả thành phần tham dự lễ kết nạp buổi đêm cùng quay mặt về phương bắc (miền Bắc hậu phương). ..

Trường hợp ở trại giam D5 sau năm 1969 đặc biệt hơn. Bối cảnh lúc đó - Bác Hồ đã từ trần. Các chi bộ nhà tù quyết định bổ sung kịp thời đội ngũ đảng viên. Lúc này rất cần một hình thức trang trọng tối thiểu để nói lên ý nghĩa của buổi kết nạp. Bí thư Đảng ủy trong nhà tù là Nguyễn Văn Dung (tức Đại tá Tô Diệu sau này) gặp Bí thư chi bộ Nguyễn Thế Nghĩa (người Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh) giao nhiệm vụ: Đồng chí cố gắng tạo một lá cờ Đảng để buổi lễ kết nạp sắp tới và về sau gây ảnh hưởng mạnh mẽ. Thật sự khó khăn, vì trại giam gồm toàn anh em người miền Bắc nên không có thăm nuôi giao tiếp với bên ngoài; lấy đâu ra vải đỏ, vải vàng. Đến mảnh áo mặc ai nấy cũng rách rưới vá chằng chịt. Ngày tổ chức lễ kết nạp đã đến gần. Bí thư chi đoàn Nguyễn Trọng Dư (người Hà Nội, sau ngày trao trả tù binh có thời kỳ làm Trưởng tàu hỏa Nam Bắc) nói với Nguyễn Thế Nghĩa: Vẽ cờ bằng máu có được không anh? Cao Đình Hải (người Thuận Thành, Bắc Ninh), trước khi bị bắt là Đại đội phó Đặc công thuộc Tiểu đoàn Nguyễn Thế Nghĩa làm Tham mưu trưởng thì bật ra câu lo lắng: Thế còn vải trắng thì đào đâu ra? Ngày dự định kết nạp đảng viên mới Lê Đức Thiện và công nhận đảng viên chính thức Cao Đình Hải thì đã tới. Nguyễn Thế Nghĩa chợt bật đứng lên. Có cách rồi. Cả Dư, Thiện, Hải đều ngơ ngác chưa hiểu gì thì đã thấy Nghĩa đánh mạnh tay trái vào mép tôn cửa ra vào, máu chảy đỏ bàn tay. Tay phải anh vội giữ chặt động mạch và cứ để nguyên máu đỏ loang lòng bàn tay, miệng nói nhanh: Tôi đi báo giám thị do chóng mặt ngã va vào mép tôn. Đôi chân Nguyễn Thế Nghĩa phăm phăm ra cổng trại giam. Nếu không phải là Nghĩa hẳn mọi người đã nghĩ lại thêm một kẻ phản bội chạy sang trại chiêu hồi…

Tới nơi, Nghĩa nói: Báo cáo hai giám thị, cấp cứu cầm máu giúp tôi. Tôi đứng lên bị chóng mặt ngã vào mép tôn.

- Hả, mày có bị phù thũng như mấy thằng trong phòng bệnh đâu mà xây xẩm mặt mũi. Lại chuẩn bị tố cáo tụi tao với phái đoàn chữ thập đỏ quốc tế chứ gì, lại đòi phải cấp thêm nhiều thuốc sinh tố chống bệnh hoa mắt chứ gì. “Dô” trỏng, xé áo ra mà băng! - Viên giám thị trưởng vằn mắt quát.

Chẳng lẽ phải trở vào tay không, Nghĩa ngồi phịch xuống nền đất, mắt nhắm nghiền, bàn tay phải rời khỏi cổ tay trái; máu phụt xuống mặt đất. Viên giám thị phó tỏ ra lãnh đạm từ đầu nhưng thấy máu ra nhiều quá cũng lắp bắp: - Kìa xếp, nó xỉu rồi.

- Xỉu cũng mặc cha nó. Để coi nó còn sức hô đả đảo không?

Nghe trưởng nói vậy, viên giám thị phó im bặt. Cùng lúc, anh Tấn - đại diện  trại tù kịp có mặt giải thích: Trình ban giám thị, anh này ngủ một phòng với tôi. Là nhân lực chính, hằng ngày anh em vẫn nhờ xuống nhà bếp khiêng nước uống về. Bữa nay, chả hiểu sao vừa định đứng lên khiêng đòn đã ngã bổ nhào. Nguy hiểm quá - miệng nói, bàn tay trái đại diện túm lấy cổ tay Nghĩa chặn động mạch lại. Trình ban giám thị cho gọi y tá băng ga rô, nếu không e anh ta nguy mất.

Đ..ù  m..ẹ! - Viên giám thị trưởng bị ánh mắt đại diện tù bám riết, buộc phải thay đổi thái độ - Tao trông tướng thằng này cao số lắm, chưa chết nổi đâu. Ông trung sĩ Thành phôn cho y tá đại đội đem bông băng tới!

Giả vờ nhắm nghiền mắt Nghĩa nghe rõ mọi lời. Vậy là chắc chắn có cuốn băng trắng của bọn Mỹ để làm vải vẽ cờ rồi.

Dìu nhau vào trại đến giữa sân, đại diện Tấn nói: Cậu Dư báo cho mình biết ý định của cậu, vội chạy ra hỗ trợ. Thằng giám thị trưởng này mới có đứa em chết trận, phải lựa nó mới được việc…

Nguyễn Thế Nghĩa trực tiếp tiến hành và chỉ đạo công việc tiếp theo. Phân công hai người cảnh giới đề phòng bọn mật vụ chìm. Lê Đức Thiện canh chừng phía cổng. Một người theo đại diện Tấn xuống bếp khênh nước uống, kết hợp kín đáo lấy mấy viên sinh tố màu vàng. Bây giờ, Bí thư Nguyễn Thế Nghĩa nói: Tôi sẽ tháo cuộn băng. Chỗ nào máu thấm loang lổ chưa đều, cần nhỏ tiếp máu vào đó.

Vết bị tôn khứa ở cổ tay vừa chớm liền mép, chỉ một va chạm nhỏ cũng đủ tứa máu trào ra tiếp. Toan đưa chỗ đau đó vào mép tôn thì cả Nguyễn Trọng Dư và Cao Đình Hải đều ngăn lại nói: Anh giữ lại một đoạn băng cho nhanh liền da, để chúng em hoàn thiện nốt. Chỉ cần đoạn này cũng đủ làm cờ rồi.

Ba đầu ngón tay của Nguyễn Trọng Dư, Lê Đức Thiện và Cao Đình Hải cùng lúc nhỏ máu nhuộm đều đoạn vải. Đoạn vải thấm máu bốn tù binh được giao cho Nguyễn Trọng Dư phơi và cất giữ. Khi vải thấm máu se se khô, Nghĩa lấy viên sinh tố vàng tẩm nước cơm vẽ lên hình búa liềm. Công việc hoàn tất, được báo cáo và tận mắt thấy cờ Đảng - đồng chí Tô Diệu sững sờ. Tấm lòng các cán bộ, chiến sĩ đối với Đảng thật vô cùng quý giá. Đồng chí yêu cầu bằng mọi giá bảo vệ cờ. Các chi bộ kết nạp đảng viên mới, sử dụng cờ phải đảm bảo an toàn và tổ chức trang trọng.

Bộ phận chuẩn bị lễ kết nạp ai nấy nhìn cờ trong tâm trạng  phấn chấn. Đây là lần đầu nghi thức kết nạp có máu của đảng viên. Muốn bứt lên khỏi lồng ngực một tiếng thật to, thưa với T.Ư Đảng, với Bác Hồ: Ở đây người tù binh không bị tù về trí tuệ và không hề thiếu tinh thần chiến đấu, tinh thần phục vụ Đảng. Lá cờ máu là bằng chứng!...

(Còn nữa)

Nguyễn Xuân Tường