Đất Tổ ca Trù Cổ Đạm
Thông thường, mỗi lần biểu diễn hát ca Trù gồm có 3 người: Một người hát là nữ được gọi là ca nương; Người đệm đàn đáy cho người hát được gọi là kép đàn; Người đánh trống chầu, được gọi là quan viên, người này kiêm luôn người thưởng thức để thưởng hay phạt cho người hát. Nếu quan viên đánh trống tiếng “tùm” thì có nghĩa là khen hay, nếu không hài lòng hay ca nương hát lỗi thì quan viên đánh trống một tiếng “chát”.
Lúc biểu diễn, ca nương ngồi trên chiếu ở giữa, kép đàn và quan viên ngồi lệch sang hai bên. Nhạc cụ để biểu diễn gồm có phách, đàn đáy và trống chầu. Trang phục để các ca nương, kép đàn và quan viên mặc biểu diễn là áo dài cổ truyền màu đen hoặc màu nâu.
Để học được ca Trù rất khó, vì ca Trù rất phong phú về làn điệu cũng như các thể cách. Ví dụ như các bài Tì Bà, Xích Bích rồi các bài múa Tứ Quý rất khó học. Bài Tì Bà có đến 36 làn, lúc lên, lúc xuống. Bài múa Tứ Quý còn có đến 600 điệu múa.
Cuối thập niên chín mươi thế kỷ trước, với tâm nguyện không để cho ca trù được thất truyền, mai một, những nghệ nhân cao tuổi ở xã Cổ Đạm đã tự đứng ra vận động các cháu, mọi người trong làng học hát ca Trù để giữ lại nên văn hóa xưa. Cuối năm 1998, Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm được thành lập để tiện cho việc sinh hoạt và truyền dạy ca Trù của các cụ nghệ nhân. Đến nay, CLB ca trù Cổ Đạm có gần 40 thành viên bao gồm 4 thế hệ. Thế hệ thứ nhất là các cụ nghệ nhân gần 90 tuổi. Thế hệ thứ 2 là thê hệ kế cận từ 30-50 tuổi. Thế hệ thứ 3 là lớp trẻ từ 20-30 tuổi và thế hệ thứ 4 là các cháu nhỏ từ 10-20 tuổi.
Thanh Ngân