Đất nước con người: Cây cầu và cột cờ Hiền Lương
Đất nước ta nhiều sông nhiều suối, nên có rất nhiều cầu bắc qua. Cây cầu không những chỉ tạo cho việc giao thông đi lại thuận tiện mà còn cho dòng sông thêm vẻ đẹp ở dòng sông ấy quê hương ấy. Trên đất nước ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đã không ít có những cây cầu, những dòng sông đi vào lịch sử ghi danh địa danh chiến thắng hào hùng như: Cầu Lai Vu, cầu Phú Lương (Hải Dương), cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa)… Nhưng có một cây cầu duy nhất không được thơ mộng như cầu Tràng Tiền (Huế) mà lại được đi vào thơ, ca, nhạc, họa khá nhiều. Cây cầu đó lại lấy làm “mốc giới” tạm thời gần 21 năm chia cắt đất nước từ năm 1954-1975: Đó là cầu Hiền Lương.
Nằm ở cây số 785 thuộc quốc lộ 1 từ Bắc vào Nam, cầu Hiền Lương thuộc tên làng Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Đoạn bắc qua sông rộng không quá 200m. Cầu có 7 nhịp, dài 178m, với 894 thanh ván nhỏ lát ngang mặt cầu. Cầu Hiền Lương xây dựng năm 1928.
Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ tháng 7-1954, chính quyền Sài Gòn là chủ nửa bên cầu phía Nam - phía Bắc thuộc ta quản lý, như vậy cầu chia làm hai phần, mỗi bên dài 89m, sơn hai màu khác nhau. Bên ta sơn màu xanh, bên ngụy sơn màu trắng.
Qua 21 năm chiến tranh, cây cầu Hiền Lương đã qua ngót 10 lần tu bổ nâng cấp, đến nay, cầu Hiền Lương có chiều dài 230m, gần 7 nhịp, rộng 11,5m2.
Thời kỳ đất nước chưa thống nhất, trên hai đầu cầu Hiền Lương dựng hai cột cờ. Cột cờ phía Bắc là cờ đỏ sao vàng; cột cờ phía Nam nền vàng ở giữa có ba gạch đỏ, nhân dân ta gọi cờ của ngụy là cờ ba que là vậy.
Cột cờ bên bờ Bắc, lúc đầu làm bằng cây bương; ngụy quyền muốn khuếch trương thay thế và làm cột cờ bằng trụ thép, cao 34m và treo cờ rộng 94m2. Thấy vậy bà con Vân Kiều bên bờ Bắc lên rừng Trường Sơn, tìm cây gỗ kiềng cao 36m về làm cột cờ và may cờ rộng 120m2. Bọn Mỹ - ngụy tức tối, cho xây cột cờ của chúng cao thêm 2m. Bà con ta lại hạ cột gỗ kiềng xuống để xây cột cờ bằng bê tông cốt thép cao 40m.
Trên báo Nhân Dân số Tết Canh Tý (năm 1960), nhà thơ Gia Ninh (1917-2004) người con của Quảng Bình đã viết bài thơ “Ngọn cờ Hiền Lương“:
“Gió bay tung đỏ ngọn cờ
Ánh sao vàng tỏa đôi bờ Hiền Lương
Xa nhau từ buổi lên đường
Cờ bay, ngỡ thấy sao vàng mũ anh”.
Bài thơ nói lên thủy chung người vợ bờ Nam với người chồng ra đi tập két bờ Bắc đầy lạc quan tin tưởng. Còn đối với nhân dân ta muôn lòng như một:
“Gươm nào chém được dòng Bến Hải
Lửa nào thiêu được dải Trường Sơn
Bắc Nam một tấm lòng son
Chúng mày cắt biển chia non được nào?”.
(Ta đi tới - Tố Hữu)
Sông Bến Hải, còn gọi là sông Hiền Lương, nhà văn Nguyễn Tuân thì gọi là sông Tuyến (vì nằm ở Vĩ tuyến 17) và ông đã có một bài tùy bút mang tên “Sông Tuyến” nổi tiếng. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tác giả bài hát “Câu hò trên bến Hiền Lương” nói về sự ra đời của bài hát này: “Tôi viết bài đó vào năm 1957. Đứng bên này cầu nhìn tuốt vào trong đó, rất nhờ và rất buồn. Bấy giờ mây đen còn bao phủ miền Nam, không phải là mình kém lòng tin đâu, nhưng đúng là cái buồn đó đã vận vào câu hát “Thuyền ơi có nhớ bến chăng! Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền! Nhắn ai giữ vững đợi thuyền. Trong cơn bão táp vẫn nguyền lòng son”. Bài hát này đã được ca sĩ Tân Nhân hát lần đầu, đậm đà trữ tình truyền cảm, mãnh liệt trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam.
Không chỉ có thơ và nhạc hay về cầu Hiền Lương, mà cột cờ Hiền Lương, sông Hiền Lương cũng đã đi vào tiểu thuyết, phim ảnh. Đặc biệt bộ phim “Chung một dòng sông”. Nội dung ca ngợi mối tình Nam (bờ Bắc Hiền Lương), nữ (bờ Nam sông Hiền Lương) và tinh thần đấu tranh bất khuất của quân và dân bờ Nam đối với Mỹ - ngụy. Bộ phim này đã được giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim truyện Việt Nam lần thứ 3 năm 1973.
Giờ đây, trên đường số 1 mới, đã có cầu Hiền Lương mới, nhưng cầu Hiền Lương ngày ấy vẫn tồn tại bên cạnh như chứng nhân lịch sử và đi vào lịch sử như một huyền thoại. Mãi mãi cột cờ và cầu Hiền Lương là một biểu tượng của sự thống nhất Bắc-Nam.
Cầu Hiền Lương, sông Hiền Lương, cột cờ Hiền Lương - ba tên gọi khác nhau, nhưng cùng một điểm đến! Điểm hẹn, cho khách tham quan du lịch, cho các thế hệ người Việt tìm về “địa chỉ đỏ” trên trục Bắc Nam - trên một dòng sông Hiền Lương.
Lê Hồng Thiện