Đập nát “cánh cửa thép” trên đèo Phượng Hoàng
Sau khi Buôn Ma Thuột bị thất thủ, quân ngụy Sài Gòn cho Lữ đoàn 3 dù xuống chốt giữ đèo Phượng Hoàng trên quốc lộ 21, hy vọng tái chiếm Buôn Ma Thuột, dựng lên một “cánh cửa thép” tại đỉnh đèo, hòng chặn đường tiến của Quân giải phóng xuống duyên hải Nam Trung Bộ. Địch chiếm các điểm cao, hình thành hệ thống phòng ngự có chiều sâu, xây dựng công sự dã chiến, khống chế hai bên đường, kéo đến tận Dục Mỹ - Ninh Hòa. Ngoài ra còn có 24 khẩu pháo, nhiều xe tăng, xe bọc thép và các phi đoàn không quân yểm trợ tối đa.
Ngày 27-3-1975, Trung đoàn 25 độc lập thuộc Quân đoàn 3, được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên điều về tăng cường cho Sư đoàn 10, chiến đấu trong đội hình chiến dịch. Sau khi tiến công, góp phần giải phóng quận lỵ Khánh Dương, giải phóng 18 khu ấp, đưa dân của hơn bốn chục buôn về chỗ cũ, Trung đoàn 25 tổ chức bộ đội bí mật vượt quốc lộ 21, xuyên rừng hành quân tức tốc trong đêm, luồn sâu vào sau lưng địch, tạo thành mũi vu hồi hiểm hóc, phá thế phòng ngự của địch.
Phương án tác chiến được thống nhất giữa Trung đoàn trưởng Lộ Khắc Tâm (sau này là Thiếu tướng, có thời gian làm Phó cục trưởng Cục Tác chiến) và Chính ủy Trung đoàn Nguyễn Ngãi với Tham mưu trưởng Thịnh, là: Sử dụng Tiều đoàn 5 đánh phía tây nam, đề phòng địch rút về Dục Mỹ; Tiểu đoàn 631 làm dự bị; Tiểu đoàn 3 là mũi chủ yếu, do Trung đoàn trưởng và Chính ủy trực tiếp nắm.
Ngày 28-3, Trung đoàn điều Đại đội 10 Tiểu đoàn 3 về Trung đoàn bộ. Trung đoàn trưởng chấp nhận đề nghị của Đại đội trưởng Đại đội 10 - Trần Thái Bình (sau là Trung tướng, có thời gian làm Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự), xin cho Đại đội 10 làm chủ công, chủ động bám địch, gặp là đánh.
Mờ sáng ngày 29-3, Sư đoàn 10 tổ chức đột phá chính diện theo trục quốc lộ 21 vào cụm cứ điểm phòng ngự của địch ở đèo Phượng Hoàng. Pháo của Lữ đoàn pháo 40 bắn cấp tập hàng giờ vào các trận địa của địch. Một số trận địa pháo của địch bị phá hủy, không ngóc được đầu lên để yểm trợ cho nhau. Trên trời, máy bay địch tập trung bắn phá, ném bom vào đội hình Sư đoàn 10, nhưng bị pháo cao xạ của Trung đoàn 234 khống chế. Sự chi viện cho Lữ đoàn dù 3 rất hạn chế, buộc địch phải co cụm lại. Chớp thời cơ, Sư đoàn 10 dùng xe tăng và bộ binh tấn công đồng loạt vào tuyến phòng ngự của địch. Lính dù chống cự quyết liệt, bắn cháy xe tăng ta; bộ binh đợt đầu không chiếm được mục tiêu.
Sư đoàn 10 tổ chức tiến công tiếp, dũng mãnh hơn, quyết đập nát các cụm cứ điểm phòng ngự của lính dù. Chúng hết sức kinh hoàng bởi sức tiến công dồn dập bởi lực lượng binh chủng hợp thành của ta. Số quân còn lại của Tiểu đoàn 6 Lữ dù 3 phải bỏ vũ khí hỏa lực, tháo chạy về phía bắc đèo Phượng Hoàng, Nhưng, chúng không ngờ đã lọt vào trận địa của mũi vu hồi, do Trung đoàn 25 đón lõng. Biết chạm trán với chủ lực của ta, địch lập tức xây dựng công sự dã chiến, lợi dụng địa hình trên cao để chống trả.
Về phía Trung đoàn 25, vừa mở màn trận đánh, đồng chí Long truyền đạt của Tiểu đoàn 3 đã trúng đạn địch, hy sinh. Đồng chí Quyên - liên lạc Đại đội 10 phát hiện địch, nhanh chóng ném lựu đạn trúng đội hình chúng. Đồng chí Chung - xạ thủ B40 bị địch ném lựu đạn trúng sọt đạn B.40, hy sinh. Đồng chí Thông - trợ lý tác chiến cũng hy sinh trên đường vào trận địa…
Dựa vào hỏa lực cá nhân, địch co cụm chống cự. Mặc dù có tới 9 tên lính dù chết chồng lên nhau cạnh ổ hỏa lực trung liên, nhưng những tên còn lại vẫn ngoan cố chống cự, không đầu hàng.
Thấy trận đánh không thuận lợi, Trung đoàn trưởng Lộ Khắc Tâm lệnh cho cán bộ Tiểu đoàn 3 trực tiếp lên nắm lại địch tình… Chính trị viên phó tiểu đoàn Nguyễn Văn Tịch luôn sát cánh cùng bộ đội trong suốt trận đánh. Đại đội trưởng Đại đội 10 Trần Thái Bình trực tiếp chỉ huy các trung đội đánh hiệp đồng chặt chẽ; đặc biệt thực hiện chiến thuật “nhảy cóc” phát huy hiệu quả tổ ba người, kịp thời chi viện cho nhau. Do trời sương mù dày đặc, lính dù mặc áo quần rằn ri, nên khó phát hiện; bộ đội ta phải phân biệt bằng tiếng súng, nên tổ ba người của đồng chí Thủy bị lọt vào ổ phục kích của địch, cả ba đều hy sinh. Bộ đội ta thoắt ẩn thoắt hiện trong khói đạn và sương mù; nổ súng, giành giật với địch từng mỏm đá, ụ đất… Cán bộ, chiến sĩ Đại đội 10 lần lượt đánh chiếm được các vị trí của địch, đặc biệt là các vị trí ở trên cao; từ đó đánh thốc xuống, dồn lính dù chạy toán loạn, lọt vào trận địa đón lõng của Trung đoàn ở khu vực suối cạn và các điểm đón lõng của Tiểu đoàn 5, Tiểu đoàn 631…. Bằng cách đánh vận động ở địa hình không thuận lợi, địch có công sự dã chiến, Đại đội 10 đã cùng Trung đoàn tiêu diệt gọn Tiều đoàn 6 và 1 đại đội của Tiểu đoàn 5 quân dù, diệt gần 200 tên, bắt 62 tên, trong đó có 1 trung tá tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 dù, 2 đại úy; thu gần 200 súng. Sau khi bị bắt, tên tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 dù đã chua xót thừa nhận: “Lần đầu tiên, Tiểu đoàn 6 Lữ dù thiện chiến bị xóa sổ hoàn toàn…”!
Đập nát “cánh cửa thép” của địch trên đèo Phượng Hoàng là trận đánh xuất sắc, quả cảm, đầy mưu trí của mũi vu hồi do Trung đoàn 25 đảm nhiệm. Trận đánh hết sức táo bạo, bất ngờ, đạt hiệu quả cao. Các đơn vị trực thuộc đều tham gia tiêu diệt quân dù thiện chiến; nhanh chóng làm rối loạn, chia cắt đội hình địch, tạo điều kiện cho đơn vị bạn trong đội hình Trung đoàn lập công. Nhưng để có được chiến công xuất sắc này, nhiều cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn đã vĩnh viễn nằm lại đèo Phượng Hoàng; trong đó có hơn 10 đồng chí của Đại đội 10 Tiểu đoàn 3.
Nguyễn Thế Viễn (nguyên Trợ lý tuyên huấn Trung đoàn 25) ghi theo lời kể của Thiếu tướng Lộ Khắc Tâm và Trung tướng Trần Thái Bình