Theo Đề án này, năm 2007, lực lượng lao động nông thôn trên cả nước là 34,8 triệu người, chiếm 74,5% tổng số lực lượng lao động xã hội. Dự báo con số này có xu hướng giảm dần, đến năm 2010, tỷ lệ này còn 69% (34,2 triệu người). Nhu cầu lao động qua đào tạo nghề ở một số ngành, lĩnh vực từ nay đến năm 2020 là rất lớn, vì tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đến nay mới đạt 18,7%. Chính phủ triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn lần này với mục tiêu đảm bảo từ năm 2011 trở đi, mỗi năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2020 lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt trên 50%, nâng thu nhập của lao động nông thôn tăng trên 2,5 lần so với hiện nay. Chính phủ sẽ dành hơn 23.140 tỉ đồng để thực hiện Đề án này.
Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đề ra khá nhiều chính sách thông thoáng, cởi mở đối với người học. Lao động nông thôn học nghề được hỗ trợ đồng bộ từ học phí, tiền ăn, ở, đi lại; đặc biệt đối với những người học nghề và làm việc ổn định ở nông thôn được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất 0%.
Lộ trình thực hiện Đề án đào tạo lao động nông thôn chia thành 3 giai đoạn:
Giai đoạn 2009-2010: Tổ chức thí điểm các mô hình đào tạo phù hợp cho các nhóm đối tượng, gồm lao động làm nông nghiệp (gồm cả lao động ở các vùng chuyên canh); lao động chuyển sang phi nông nghiệp ở nông thôn; lao động làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp; lao động trong các làng nghề... với khoảng 50 nghề. Cụ thể: Đào tạo các nghề nông nghiệp cho 15.000 lao động nông thôn thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề trồng và chăm sóc rừng; dạy nghề phi nông nghiệp cho 4.000 lao động để chuyển sang lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp và dịch vụ...
Giai đoạn 2011-2015: Triển khai mở rộng các mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn để thực hiện mục tiêu đào tạo cho 5,2 triệu người; đào tạo, bồi dưỡng khoảng 500.000 cán bộ, công chức xã.
Giai đoạn 2016-2020: Đào tạo 6 triệu lao động nông thôn và đào tạo, bồi dưỡng khoảng 500.000 cán bộ, công chức xã. Để đào tạo 4.500 - 5.000 lượt cán bộ, công chức xã/năm, 3 trung tâm đào tạo, bồi dưỡng sẽ được xây dựng ở 3 vùng Tây Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ.
Những đột phá khi triển khai Đề án này bao gồm đột phá về nhận thức của xã hội của người học nghề, thứ hai là chuyển mạnh đào tạo theo khả năng sang đào tạo theo nhu cầu xã hội, từ đó quy hoạch lại hệ thống cơ sở dạy nghề, chuyển hóa chương trình đào tạo, chuyển hóa đội ngũ giáo viên dạy nghề đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng. Điểm khác biệt của Đề án này là giúp lao động nông thôn nắm vững “3 biết”: Biết thông tin về triển vọng công việc ở địa phương mình; biết chính sách học nghề và nghĩa vụ người học nghề; biết cơ hội việc làm sau khi học nghề. Vấn đề vận động nhiều lao động nông thôn trẻ tham gia học nghề cũng được đặc biệt chú ý. Một trong những giải pháp đặc biệt trong Đề án này là khuyến khích thanh niên về làm nông nghiệp, làm doanh nhân ở nông thôn.
Hy vọng Đề án lớn đào tạo nghề cho lao động nông thôn sẽ thúc đẩy dân trí vùng nông thôn phát triển trong cả nước, giúp các gia đình nông thôn nhanh chóng “xóa đói giảm nghèo”, làm thay đổi cơ bản tình hình kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn nước ta.

Bài và ảnh: Vân Trang