Đánh thức tiềm năng vùng duyên hải Nam Trung Bộ (16/03/2012)
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa phát huy được lợi thế tương xứng. “Vùng duyên hải này cần hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý và khuyến khích phát triển kinh tế biển, đảo gắn với an ninh - quốc phòng. Chỉ có vậy, tiềm năng nơi đây mới có thể thức tỉnh, hòa mình vào biển lớn kinh tế đất nước” - Phó tổng cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), ông Nguyễn Đăng Đạo cho biết như vậy. Tiềm năng đã và đang khai mở! Vùng duyên hải Nam Trung Bộ (bao gồm cả các huyện đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Lý Sơn), có nhiều khu vực có thể xây dựng cảng biển, trong đó có cảng nước sâu như: Đà Nẵng, Dung Quất, Vân Phong, Cam Ranh... Đây cũng là vùng có nhiều loài cá, tôm, chim yến, động vật thân mềm, bò sát, thú biển, rong biển… tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và chế biến hải sản. Bên cạnh đó, với đường bờ biển kéo dài, vùng này có thể xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung ven biển. Đề cập đến những tiềm năng trên, ông Nguyễn Đăng Đạo bày tỏ: Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, vùng duyên hải Nam Trung Bộ sẽ thiết lập được hệ thống cảng biển với 6 cụm cảng biển loại I và 5 cụm cảng biển loại II, với 22 bến cảng trực thuộc. Trên thực tế, thời gian qua, vùng ven biển này cũng đã được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông hàng hải bảo đảm nhu cầu lưu thông hàng hóa bằng đường biển với mức tăng trưởng hàng hóa hằng năm từ 10% đến 20%, trong đó tập trung phát triển hạ tầng cảng biển tại các cảng đầu mối khu vực như: Đà Nẵng, Dung Quất, Nha Trang, Ba Ngòi. Vẫn theo ông Nguyễn Đăng Đạo, cảng Đà Nẵng có vai trò là cửa ngõ chính cho giao thương hàng hóa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, được xác định là điểm cuối và là cửa ngõ chính ra Biển Đông cho hàng hóa quá cảnh giữa các nước trên tuyến. Còn cảng Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) là một cảng biển tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (cảng loại I) của Việt Nam, gồm có một khu bến cảng chính ở vịnh Dung Quất. Trong vùng đang đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong với tổng diện tích 750ha (gấp hơn 1,5 lần cảng công-ten-nơ Xin-ga-po hiện nay) với tổng chiều dài bến gần 12,6km, bao gồm 42 bến cảng, bảo đảm khả năng hơn 200 triệu tấn hàng hóa thông quan mỗi năm và tiếp nhận tàu công-ten-nơ có trọng tải đến 17.000TEU. Khi hoàn thành cảng Vân Phong sẽ là điểm nhấn đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ có những đội tàu thuyền khai thác hải sản hùng hậu, mỗi năm ngư dân khai thác được hơn 600.000 tấn hải sản các loại, trong đó có nhiều hải sản mang lại giá trị kinh tế cao như: Cá ngừ đại dương, hải sâm, mực, tôm hùm, cua biển… Ngoài ra, với lợi thế có hệ thống đầm phá trải dài ở các tỉnh cũng như vùng bãi triều cửa sông, nghề nuôi trồng hải sản ở đây tương đối phát triển với sản lượng mỗi năm lên tới 130.000 tấn hải sản các loại. Cùng với những thế mạnh trên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ đã hình thành và xây dựng 5 khu kinh tế biển (Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên, Vân Phong), 21 khu công nghiệp ven biển. Đến nay, các khu kinh tế biển này đã cơ bản hoàn thành các công tác quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng và đang tiến hành đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Để phát triển mạnh cần được “bảo hộ” bằng pháp luật Theo ông Hoàng Nhất Thống, chuyên viên tổng hợp của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: Mặc dù những năm qua, các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ đã chủ động hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như sự đầu tư của Nhà nước cho phát triển kinh tế biển, đảo kết hợp với bảo đảm an ninh - quốc phòng, song những kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Còn theo ông Nguyễn Đăng Đạo, hiện nay hệ thống chính sách, pháp luật về biển và hải đảo ở nước ta đã được ban hành khá toàn diện, bao quát các hoạt động liên quan đến quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, phát triển kinh tế biển và bảo đảm chủ quyền an ninh quốc gia. Việt Nam cũng đã tham gia, ký kết một số điều ước, công ước quốc tế liên quan đến quản lý tài nguyên - môi trường biển, các hiệp định hợp tác hàng hải với các nước… Tuy nhiên, hệ thống chính sách, pháp luật này vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ, dẫn đến sự chồng chéo, bộc lộ nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện, nguồn lực bị phân tán, giảm hiệu quả công tác quản lý tài nguyên - môi trường biển và chưa phục vụ một cách có hiệu quả quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở nước ta. Và tất nhiên, vùng duyên hải Nam Trung Bộ cũng sẽ nằm trong hiện trạng chung đó. Điều quan trọng bây giờ là để tiếp tục đánh thức và phát triển tiềm năng kinh tế khu vực này, cần được "bảo hộ" bằng pháp luật. Vùng duyên hải Nam Trung Bộ là một phần của "khúc ruột miền Trung". Đặc thù của địa hình "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa" từng làm nhiều vùng quê nghèo khó, nhọc nhằn. Thế nhưng, khi tiềm năng được đánh thức và khơi mở, nơi đây sẽ trở nên giàu đẹp hơn nhờ thế mạnh phát triển kinh tế biển. Hải Anh (TH)