Đánh thắng trận đầu: Niềm tự hào, truyền thống vẻ vang

CCB Nguyễn Xuân Bột - nguyên Phân đội trưởng Phân đội 3, Tiểu đoàn 135 (nay là Hải đội 135) nhớ lại: Ngày ấy, Phân đội 3 có 3 tàu mang số hiệu 333, 336 và 339, lúc 19 giờ ngày 1-7-1964 thì được lệnh lắp ngư lôi rồi cơ động vào Hòn Nẹ, Thanh Hóa. Đến 14 giờ ngày 2-8, Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho 5 tàu xuất kích gồm 3 tàu của Phân đội 3 và 2 tàu T142 và T146 do đồng chí Trần Đình Chỉ chỉ huy tiến vào khu vực mục tiêu. Phân đội 3 hành quân theo đội hình hàng dọc. Tôi lệnh cho các tàu mở ra đa bám tàu địch và báo cáo Thuyền trưởng 30 giây 1 lần. Khi phát hiện mục tiêu ở mạn trái, cự ly 80 liên thì tàu Ma-đốc bắn 12,7 ly vào đội hình của Phân đội 3 và gọi máy bay đến bắn phá. Tàu 333 dính nhiều mảnh trên mạn và mặt boong. Tôi ra lệnh cho 2 tàu 336 và 339 tăng tốc độ, chọn góc mạn và cự ly tốt nhất để phóng ngư lôi. Đến 15 giờ 24 phút, tàu 339 phóng ngư lôi ở góc 110 độ, cự ly 8 liên, tiếp đến tàu 336 phóng ngư lôi ở góc 120 độ cự ly 7 liên. Khi quay ra, gặp máy bay địch oanh tạc, Thuyền trưởng Nguyễn Văn Tự và 1 pháo thủ hy sinh. Tàu 339 bị hỏng một máy chính, 1 pháo thủ và 1 chiến sĩ cơ điện hy sinh. Hai tàu này phải nằm tại chỗ dùng súng bộ binh đánh trả máy bay địch. Tàu 333 bị hư hỏng nặng nhưng vẫn tăng tốc bám sát mục tiêu. Khi cách tàu Ma-đốc 5 liên thì dùng súng 14,5 ly và AK bắn quét trên mặt boong tàu địch và phóng ngư lôi ở góc mạn 80 độ, sau đó rời vị trí chiến đấu. Tàu Ma-đốc trúng đạn, hư hỏng một số bộ phận phải chạy ra vùng biển quốc tế. Trận chiến đấu kết thúc, ta hy sinh 5 đồng chí, 6 đồng chí khác bị thương; cả 3 tàu đều được nhanh chóng sửa chữa, bổ sung thiết bị kỹ thuật và trang bị vũ khí tiếp tục chiến đấu.
Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Chí Thanh - Phó giám đốc Học viện Phòng không-Không quân cho biết: Sau khi dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc bộ”, kiếm cớ leo thang chiến tranh ra miền Bắc, đế quốc Mỹ ngang nhiên mở chiến dịch mang tên “Mũi tên xuyên”. Ngày 5-8, chúng huy động 64 lần chiếc máy bay của Hải quân cất cánh từ 2 tàu sân bay Con-xtê-lây-sân và Tai-cơn-đơ-rô-gơ đánh vào 4 khu vực dọc bờ biển trên miền Bắc nước ta là Vinh-Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), Hòn Gai (Quảng Ninh) và cảng Gianh (Quảng Bình). Lực lượng Phòng không của Quân chủng PKKQ, Quân chủng Hải quân đánh trả quyết liệt, hành động xâm lược của Mỹ, bắn rơi 8 máy bay địch, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống giặc lái.
Hồi 14 giờ 15 phút, nhiều tốp máy bay địch từ Biển Đông lao vào đánh phá từ đảo Hòn Nẹ đến cửa Lạch Trường (Thanh Hóa). Các đơn vị đóng quân trên địa bàn như Hải quân, Đồn biên phòng 74, Trạm ra đa 19, đồng công an cùng lực lượng dân quân, du kích anh dũng chiến đấu, bắn rơi 2 máy bay Mỹ và làm bị thương 2 chiếc khác. Tại thành phố Vinh-Bến Thủy (Nghệ An), địch cho nhiều tốp máy bay đánh phá nhiều lần trong ngày 5-8. Trung đoàn pháo cao xạ 280 đã phát hiện sớm, đánh trả kịp thời, bắn cháy 1 chiếc AD-6. Trận địa Đại đội 138 trúng gần 100 qủa rốc-két, Đại đội 71 trúng 2 quả bom. Các tàu của Phân đội 7 và Phân đội 5 Hải quân phối hợp với lực lượng phòng không bắn rơi 1 máy bay rơi tại phía Tây đảo Hòn Mắt. Cũng trong thời gian này, nhiều tốp máy bay Mỹ đánh vào cảng Gianh, cửa sông Roòn (Quảng Bình). Các lực lượng phòng không, Hải quân, bộ đội địa phương, công an biên phòng, dân quân dũng cảm phối hợp chiến đấu, bắn rơi 3 chiếc và bắn bị thương 1 chiếc khác. Tại Hòn Gai (Quảng Ninh), Tiểu đoàn cao xạ 217 (Trung đoàn 240, Quân chủng PKKQ) cùng với các tàu 134, 227 Hải quân và lực lượng phòng không địa phương bắn rơi 2 máy bay địch, bắn bị thương 2 chiếc khác. Tên phi công An-va-rét nhảy dù bị bắt sống. Đây là tên giặc lái đầu tiên bị bắt trên miền Bắc...
Chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5-8-1964 của quân và dân ta đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như một sự kiện tiêu biểu cho ý chí quyết chiến, quyết thắng, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Chiến thắng hào hùng đó góp phần cổ vũ mạnh mẽ khí thế đánh Mỹ, củng cố lòng tin đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược của quân và dân ta. Trở thành niềm tự hào và truyền thống vẻ vang của Quân đội và nhân dân ta.
Tô Kiều Thẩm