Danh nhân chính trị, quân sự kiệt xuất (29/08/2011)

Non sông đất nước Việt Nam với lịch sử ngàn năm văn hiến đã sinh ra nhiều anh hùng dân tộc và những anh hùng đó đã làm rạng rỡ non sông Tổ quốc ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là một trong những người con ưu tú nhất của dân tộc và là một anh hùng đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam ta.

Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với những sự kiện của Đảng và đất nước suốt trong thế kỷ XX và thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nho học, có truyền thống yêu nước. Tiếp thu các trào lưu tư tưởng yêu nước, tiến bộ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tham gia các phong trào cách mạng nửa đầu thế kỷ XX và nhanh chóng đứng vào hàng ngũ những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương và sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập và rèn luyện. Những năm bốn mươi, Võ Nguyên Giáp đã cùng với các nhà cách mạng Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong… hoạt động tuyên truyền giác ngộ quần chúng và tập hợp lực lượng chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Thấu hiểu sâu sắc nông dân, lực lượng nòng cốt và quan trọng nhất của cách mạng Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với đồng chí Trường Chinh đã viết cuốn sách nổi tiếng “Vấn đề dân cày” chỉ ra những việc cần làm để thực hiện khẩu hiệu “Người cày có ruộng”. Trước thời điểm lịch sử năm 1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ giao trọng trách thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khẳng định trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp. Những trận quyết chiến chiến lược trong phòng ngự, phản công những năm 1947-1950, chiến dịch Biên Giới Cao Bắc Lạng những năm 1950-1951, các chiến dịch Thu Đông 1951-1952 và đặc biệt là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 1953-1954 đã phản ánh sinh động tài chỉ huy thao lược và tầm nhìn chiến lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Là một nhà chính trị - quân sự tài năng hiếm có, trong những khoảnh khắc lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những quyết định quan trọng tạo ra bước ngoặt trong cục diện chiến trường. Mãi mãi lịch sử quân sự Việt Nam và thế giới còn ghi nhận việc thay đổi phương châm “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một cống hiến cực kỳ quý báu cho nghệ thuật quân sự Việt Nam. Quyết định táo bạo đó đã tránh được tổn thất to lớn cho quân đội, tạo ra thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng để giành được thắng lợi vĩ đại. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ở cương vị Bí thư Quân uỷ T.Ư, Tổng tư lệnh và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ quân sự trọng yếu do Bác Hồ và Bộ Chính trị giao phó. Nhân dân ta, quân đội ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ - một cường quốc quân sự hùng mạnh nhất thế giới, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc. Trong thắng lợi hào hùng này có đóng góp quan trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Không chỉ là một nhà quân sự kiệt xuất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một nhà chính trị, văn hóa nổi tiếng. Sau năm 1975, trên nhiều vị trí công tác khác nhau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần hoạch định nhiều chiến lược, chính sách lớn về xây dựng và bảo vệ đất nước, về công nghiệp hóa, hiện đại hóa, về KHKT và văn hóa. Làm việc không ngừng không nghỉ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân tiến hành thắng lợi công cuộc đổi mới toàn diện đất nước giành được 3 thành tựu vĩ đại: Ổn định chính trị xã hội, phát triển kinh tế vượt qua thách thức và nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp xứng đáng là một danh nhân chính trị, quân sự kiệt xuất, là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong suốt 25 thế kỷ qua, từ thời A-lếch-xan đại đế đến các vị tướng lừng danh của thế kỷ XX (Da-can Tao-sơn). “Tài thao lược của tướng Giáp về chiến lược, chiến thuật và hậu cần được kết hợp nhuần nhuyễn với chính trị và ngoại giao. Sức mạnh hơn hẳn về kinh tế, tính ưu việt về công nghệ cùng với sức mạnh áp đảo về quân sự và hoả lực khổng lồ của các cường quốc phương Tây đã phải khuất phục trước tài thao lược của một vị tướng từng một thời là thầy giáo dạy sử” (Bách khoa toàn thư quân sự Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1993).

TRẦN NHUNG