Đằng sau những nạn nhân da cam
Trên lớp, Tài chỉ ngồi quan sát xung quanh và rên rỉ.
Theo chân hai bà cháu về khu nhà, người phụ nữ dáng vẻ khắc khổ, khuôn mặt hiện lên những lo âu, trắc ẩn. Vừa lấy quà từ ba lô ra cho cháu, bà vừa tâm sự:
- Nhà tôi cả 3 thế hệ đều bị nhiễm chất độc da cam. Chồng tôi đi chiến trường bị, di chứng lại cho con trai, rồi đến cháu nội đây. Bố của cháu cũng đang được chăm sóc tại Trung tâm ở Ba Vì. Hôm nay cuối tuần, tôi nhớ cháu quá, nên xuống đón nó về chơi mấy hôm.
Còn nỗi đau nào hơn khi trong một gia đình tới ba thế hệ đều bị nhiễm chất độc hóa học, tất cả mọi lo toan đều đè nặng lên đôi vai của bà Bát. May mắn là tôi vừa được tiếp xúc với Tài trên lớp giáo dục đặc biệt 3. Tài bị thiểu năng trí tuệ, không nói được, đến lớp em không làm gì cả, chỉ ngồi lắc lư, nhìn xung quanh, rên rỉ phát ra thứ tiếng mà nhiều người mới nghe như tôi cảm thấy rợn người!
Hai mắt rưng rưng, bà Bát cho biết: Bố Tài bệnh thần kinh nặng, thường xuyên la hét, chửi bới suốt ngày. Sinh Tài được 3 tháng thì mẹ cháu bỏ đi, mình tôi phải lo toan cho cả gia đình. Tất cả mọi công việc cá nhân của cháu đều cần người giúp đỡ, cháu không biết làm gì và có tính cách rất kỳ quặc. Trước đây, cháu chỉ thích ăn cháo, ngày nào cũng ăn như vậy, từ khi về Làng, cháu được các mẹ nuôi tập cho ăn cơm, hiện nay cháu đang dần quen với việc ăn cơm rồi. Những công việc cá nhân đơn giản nhất như đánh răng, rửa mặt, tắm, hay đi vệ sinh... các mẹ đều phải làm thay cho cháu. Quần áo mỏng manh lắm, ưng cái nào thì mặc cái đó, suốt ngày chỉ thích mặc áo ba lỗ, mùa đông thế này thì dỗ dành mãi mới khoác cái áo ở ngoài. Cái quần yêu thích nhất của cháu là kẻ ka rô màu trắng, nên mỗi khi thay quần áo cho Tài vất vả lắm.
Hiện nay, bà đã già, sức khỏe không còn được như trước, thời gian Tài ở Làng có hạn. Bà Bát lo lắng, sau khi trở về không biết bà sẽ chăm sóc em thế nào?
Ngồi nói chuyện với tôi nhưng đứa cháu cứ nhấp nhổm, đi lại hết chỗ này đến chỗ kia, miệng luôn rên rỉ hư, hư... hư, hư... bà bảo: “Cháu nó đòi về đấy cô”.
Sau khi chào các mẹ trong Làng, hai bà cháu đi xe buýt về Sài Đồng, Long Biên. Chia tay hai bà cháu, tôi đi xuống cầu thang, trong lòng ngổn ngang những lo lắng của bà-người vợ, người mẹ, người bà rằng: Bà sẽ chăm sóc chồng, con, cháu mình ra sao?
Rồi bà cũng sẽ già. Bà cũng cần người chăm sóc. Vậy ai chăm bà? Ai sẽ lo cho những mảnh đời bất hạnh kia? Những câu hỏi cứ xoáy sâu trong lòng tôi nhức nhối!
Minh Thu