Đáng ngại không phải là lạm phát
“Nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng, nền kinh tế nước ta không những không thể sớm phục hồi để tăng tốc, mà còn có thể đi lệch nhịp với xu hướng phục hồi chung của thế giới…”. Đó là ý kiến chung nhất của các chuyên gia kinh tế - tài chính tham mưu cho Chính phủ.
Khi mà đại dịch đang dần được kiểm soát thì phục hồi kinh tế trở nên một trong những nhiệm vụ nóng bỏng với tất cả các nước, chứ không chỉ ở nước ta. Nhưng phục hồi kinh tế sau đại dịch hoành hành thì bắt buộc phải có chính sách hỗ trợ. Hỗ trợ bao nhiêu, hỗ trợ như thế nào cũng lại là bài toàn phải tìm lời giải phù hợp và không phải đã dễ thống nhất, thậm chí ý kiến trái ngược.
Điển hình như phục hồi nền kinh tế nước ta, hiện nay Chính phủ đang xây dựng Đề án cho gói hỗ trợ rất linh hoạt, được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Trần Quốc Phương, lạc quan nói: “Nếu đề án này (Đề án phát triển kinh tế - NV) được thực hiện nhanh, hiệu quả thì Việt Nam có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2022…”. Tuy vậy, vẫn còn “vấp” những ý kiến khác nhau.
Trong số những ý kiến trái chiều, thì băn khoăn nhất là “Gói hỗ trợ có khiến lạm phát bùng phát trở lại như đã từng xảy ra sau gói kích cầu những năm 2008-2009 không, bởi lạm phát ở nhiều nước trên thế giới hiện nay đang cao, trong khi nước ta, giá các nguyên liệu đầu vào lại phụ thuộc vào giá thế giới”.
Phản biện lại những ý kiến trái chiều đó, TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cho rằng: Đây là giai đoạn cần “bàn tay” quyết liệt của kinh tế nhà nước, của ngân sách nhà nước, của các chính sách tài khóa. Lúc này ngân sách cần phải chi tiêu mạnh và phải chi tiêu hiệu quả. Không có cú hích của chi tiêu công, của Chính phủ, sẽ không thể phục hồi nhanh tổng cầu trong nước vào thời điểm này.
Ông Cung nhấn mạnh: “Nếu không có tăng trưởng, bất ổn sẽ xảy ra. Kể cả gói hỗ trợ có thể làm lạm phát tăng, nhưng đừng vì thế mà so đo tính toán, vì hiện nay nền kinh tế nước ta cả “cung” và “cầu” đều đang rất thấp. Nhất là nhu cầu tiêu dùng trong nước phục hồi rất chậm. Nếu không có gói tài khóa đủ lớn, đủ nhanh và hiệu quả để phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thì thậm chí nền kinh tế không những không tăng trưởng mà còn đi lệch nhịp với xu hướng phục hồi chung của thế giới. Nếu không có gói hỗ trợ từ Nhà nước đủ mạnh, thì kể cả trong điều kiện dịch bệnh hoàn toàn được khống chế, tăng trưởng năm 2022 giỏi lắm cũng chỉ đạt khoảng từ 1,5 đến 2% - như thế theo quy luật tức là không tăng trưởng, do nhu cầu của xã hội ngày càng cao.
Là một chuyên gia tài chính, PGS.TS.Vũ Sỹ Cường đến từ Học viện Tài chính - người có bài tham luận gây ấn tượng trong Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021, cho rằng lạm phát có thể sẽ tăng lên do gói hỗ trợ, nhưng chỉ là lạm phát thấp, mà khó có khả năng lạm phát bùng phát. Tại vì, vừa qua giá một số mặt hàng tăng là do nguyên liệu đầu vào tăng, chứ không phải tăng do “cầu”. Ví dụ, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm 2021 của nước ta chỉ tăng có 1,84% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng bình quân 11 tháng thấp nhất kể từ năm 2016, cho thấy tổng cầu đang rất yếu. Gần nửa năm qua của năm 2022 càng cho thấy tổng cầu có thể còn thấp hơn nữa do hậu quả của đại dịch, nên lại càng khẳng định được được khó có thể xảy ra lạm phát cao. Chính vì thế lạm phát không phải là nỗi lo khi tính toán các gói trong Chương trình phục hồi kinh tế.
Làm rõ hơn gói hỗ trợ, PGS.TS Vũ Sỹ Cường cho rằng: Rất cần thiết có gói hỗ trợ, nhưng không nhất thiết phải là gói hỗ trợ thật lớn, mà quan trọng là phải đến đúng địa chỉ thì mới có tác dụng kích thích nền kinh tế phát triển. Nghĩa là, gói hỗ trợ cần phải được tính toán kỹ lưỡng ở mức độ phù hợp với từng ngành, từng doanh nghiệp. Nhất là quy mô gói hỗ trợ nếu không phù hợp, ví dụ lớn quá có thể gây ra nhiều vấn đề khác cho hệ thống tài chính, do khả năng quản trị và pháp luật chưa theo kịp...
Một vấn đề nữa cũng được các chuyên gia kinh tế thẳng thắn chỉ ra một nguyên nhân dẫn đến lạm phát là do trì trệ trong tư duy; luân chuyển tiền tệ chậm. Chính vì thế, nếu không có tác động của giá đầu vào để sản xuất tăng theo, thì chỉ số giá tiêu dùng trong nước tháng 11 có thể ở mức âm.
“Mấu chốt là nền kinh tế phải được hỗ trợ để vừa duy trì hoạt động bình thường, vừa tạo đà tăng trưởng, đi đôi với ứng phó với các kịch bản phòng, chống dịch bệnh thật rõ ràng, thống nhất ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Bộ Y tế phải có hướng dẫn cụ thể để các Bộ, ngành, các địa phương có căn cứ xây dựng các kịch bản và cách ứng xử theo các tình huống dịch bệnh, không để mỗi nơi một cách, ách tắc đứt gãy như đã từng xảy ra” - PGS.TS Vũ Sỹ Cường nói và đây cũng là ý kiến chung của các chuyên gia tham mưu cho Chính phủ.
Trí Nhân