Đăng ký thi ĐH, CĐ 2010 có hơn 1,8 triệu hồ sơ (17/05/2010)
Khối A vẫn chiếm lượng hồ sơ lớn nhất với 743.607 hồ sơ (53,9%); khối B, 272.608 hồ sơ (19,8%); khối D 209.102 hồ sơ (15,2%); khối C có 105.151 hồ sơ (7,6%). Các khối còn lại chiếm 3,5%. Hệ CĐ có 61% hồ sơ khối A; 13,3% khối B; 13,9% khối D; 8,4% khối C; còn lại là các khối khác.
Tuyển sinh năm 2010 có 133 trường không tổ chức thi mà dựa vào kết quả thi theo đề chung của Bộ để xét tuyển, trong đó có 46 trường ĐH, 87 trường CĐ.
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của học sinh có nguyện vọng 1 tại các trường ĐH, CĐ không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của các trường ĐH là 230.295, chiếm 12,3% tổng số hồ sơ. Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH-CĐ 2010 tăng 10% so với năm 2009, có hơn 570.000 chỉ tiêu vào ĐH,CĐ. Trong đó, 3 nhóm ngành có chỉ tiêu cao nhất là nhóm ngành Kỹ thuật công nghệ: 142.750 chỉ tiêu; Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng: 102.780 chỉ tiêu; nhóm Nông - Lâm - Ngư: 90.970 chỉ tiêu.
Tiếp đến là nhóm ngành khoa học Tự nhiên và khoa học Xã hội và nhân văn: 89.650 chỉ tiêu; Sư phạm: 64.450 chỉ tiêu; Y - Dược: 51.400 chỉ tiêu và nhóm ngành Nghệ thuật - Thể dục, thể thao: 29.000 chỉ tiêu...
Nhằm tăng cường kỷ luật phòng thi, Quy chế tuyển sinh 2010 đã quy định rõ, mỗi phòng thi tối đa không quá 40 thí sinh.
Bộ cũng đề ra nhiều quy định đối với các thí sinh: Thí sinh chỉ cần viết, vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi là bị đình chỉ thi. Thí sinh bị hủy bỏ kết quả thi nếu nhờ người khác thi hộ hoặc làm bài hộ cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp. Đặc biệt, Bộ có thêm quy định xử lý đối tượng sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp vì kỳ tuyển sinh trước nhiều trường ĐH đã phát hiện thí sinh đăng ký xét tuyển bằng giấy chứng nhận kết quả giả mạo như scan, photocopy rồi làm con dấu giả... Các đối tượng vi phạm sẽ bị tước quyền vào học ở các trường ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh vào các trường trong hai năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đối với giám thị, Bộ cũng đưa ra hình thức kỷ luật nặng hơn như áp dụng mức xử lý kỷ luật cao nhất buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật đối với cán bộ đưa đề thi ra ngoài khu vực thi, hoặc đưa bài giải từ ngoài vào phòng thi trong lúc đang thi, làm lộ đề thi, mua, bán đề thi, làm lộ số phách bài thi, sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của TS, chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong sổ điểm, đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của TS, gian dối trong việc xét tuyển và triệu tập TS trúng tuyển.
Mức kỷ luật nhẹ nhất là khiển trách đối với những người phạm lỗi nhẹ trong khi thi hành nhiệm vụ và cảnh cáo đối với những người vi phạm một trong các lỗi như để cho TS tự do quay cóp, mang và sử dụng tài liệu hoặc các phương tiện kỹ thuật thu, phát, truyền tin, ghi âm... tại phòng thi; bị cán bộ giám sát phòng thi hoặc cán bộ thanh tra tuyển sinh phát hiện và lập biên bản; chấm thi hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót. Tùy theo mức độ, người vi phạm có thể bị hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức hoặc chuyển đi làm công tác khác (nếu là cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan doanh nghiệp nhà nước), buộc thôi học (nếu là sinh viên đi coi thi) đối với những người vi phạm một trong các lỗi ra đề thi sai, trực tiếp giải bài rồi hướng dẫn cho TS lúc đang thi...
Chí Dức