Đẳng cấp các đội tuyển ngày càng xích gần nhau hơn
Sau 24 năm chờ đợi khắc khoải, cuối cùng Đức lại một lần nữa đứng trên đỉnh thế giới với bàn thắng duy nhất của Goetze được ghi ở phút thứ 113 của trận đấu.
Đội tuyển Đức đã san bằng thành tích với Italia, để trở thành đội bóng giàu thành tích thứ 2 trong lịch sử World Cup với 4 lần đăng quang. Mặc dù không phải là ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch nhưng một chiến thắng cho người Đức trong trận chung kết với Argentina là điều đã được dự báo trước. Bản lĩnh, những cái đầu lạnh cộng thêm lối chơi gắn kết của một tập thể đã thi đấu nhiều năm cạnh nhau đưa người Đức tiến từng bước chắc chắn vào tới trận chung kết.
Còn đối với đội tuyển Argentina, chưa khi nào người hâm mộ của họ thực sự cảm thấy yên tâm. Vẫn có những trận cầu bùng nổ, vẫn có những pha bóng đẹp mắt nhưng lối chơi quá phụ thuộc vào Messi khiến họ gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi cầu thủ này không thể đạt phong độ cao nhất. Và điển hình là trong trận chung kết, trận đấu mà theo đánh giá của cấc chuyên gia là trận dở nhất của Messi tại World Cup lần này, anh mất tích trước sự đeo bám của Hummels và Hoewedes.
Nhìn rộng ra một chút có thể thấy World Cup 2014 thực sự là giải đấu của những sự bất ngờ. Hai cặp đấu bán kết thực sự là hai cuộc đại chiến giữa châu Âu và châu Mỹ với 4 đại diện hùng mạnh từ hai châu lục. Đức, Hà Lan đại diện cho lục địa già còn chủ nhà Brazil và Argentina là đỉnh cao thứ bóng đá quyến rũ của Nam Mỹ. Nếu chỉ nhìn vào hai cặp đấu này người ta có thể nghĩ rằng lịch sử bóng đá vẫn không có gì xáo trộn khi những đội bóng “quen thuộc” vẫn là những người góp mặt ở vòng đấu cuối tranh suất cho trận chung kết. Thế nhưng dù là người lạc quan nhất cũng phải thừa nhận yếu tố “ông lớn” đang mất dần trong thế giới bóng đá.
Có lẽ trong bóng đá ngày nay sự chênh lệch về đẳng cấp ngày càng bị thu hẹp, điển hình là với các trận đấu tại World Cup lần này. Các đội bóng lớn không thể áp đặt lối chơi của mình lên các đội bóng được đánh giá yếu hơn. Hay như ở vòng bảng Costa Rica, Algeria, Mỹ không cho thấy sự chênh lệch quá nhiều về trình độ với các đội “chiếu trên”, thậm chí còn gây sốc khi ép ngược đối phương. Hệ quả là nhà đương kim vô địch Tây Ba Nha bị loại ngay từ vòng bảng. Ở bảng D, hai đội tuyển châu Âu được coi là mạnh nhất bảng tử thần là Italia và Anh cũng bất ngờ bị loại, nhường suất đi tiếp cho hai gương mặt bị đánh giá thấp hơn là Costa Rica và Uruguay. Còn ở bảng C, Hy Lạp trước loạt trận cuối cùng vòng bảng còn xếp bét bảng. Nhưng bàn thắng ở phút bù giờ thứ 3 của Samaras trận gặp Bờ Biển Ngà đã giúp họ giành chiến thắng 2-1, qua đó giành quyền vào vòng knock-out. Ngay cả Algeria cũng vượt qua Nga để có vé đi tiếp ở bảng H. Thậm chí, hiện tượng Costa Rica còn suýt chút nữa làm nên điều thần kỳ khi kéo Hà Lan vào được tới loạt luân lưu để phân định thắng thua tại tứ kết.
Có đến một nửa những đội bóng “chiếu trên” phải rời cuộc chơi từ rất sớm để nhường bước cho các đội bóng mà trước đó chỉ được coi là “lát đường”. Ngay cả với Brazil, ứng cử viên lớn cho chiếc cup vàng, hình ảnh của họ đã xấu đi nhiều so với ngày trước. Người ta không còn tìm thấy những vũ công Samba thực thụ trên sân cỏ nữa, nếu có thì chỉ còn sót lại mình Neymar còn các cầu thủ khác đang chơi thiên về thể lực và chặt chém nhiều hơn. Hai trận cuối thất bại thảm bại của họ với những tỷ số cách biệt trước Đức và Hà Lan là hợp logích khả năng thực của Brazil.
Chắc chắn rằng giải đấu lần này không thể hấp dẫn nếu thiếu đi những cơn gió lạ như Costa Rica, Algeria, Colombia kể trên. Nó giúp World Cup 2014 cân bằng hơn rất nhiều khi có tới 7 trận phải đá hiệp phụ và 4 được giải quyết bằng loạt penalty. Chính bởi khoảng cách giữa các đội xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, World Cup 2014 đang được xem là một trong những kỳ World Cup hấp dẫn nhất từ trước đến giờ.
Hoàng Linh