Đan Phượng. TP Hà Nội: Một chấp hành viên, thi hành án bị tố cáo làm trái
** Khốn khổ vì vốn vay**
Theo đơn kèm theo hồ sơ, tài liệu được ông Nguyễn Văn Nhân (thường trú tại thôn Địch Trung, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội) gửi đến Báo CCB Việt Nam, cho thấy, năm 2012, do cần vay vốn ngân hàng để đầu tư hoạt động kinh doanh nên vợ chồng ông Nhân có thế chấp thửa đất số 5, tờ bản đồ số 2, diện tích 61m2 (ảnh) tại thôn Địch Trung, xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội cho Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn Cầu (gọi tắt GP Bank) để vay vốn kinh doanh. Thời hạn vay vốn trong vòng 1 năm. Do tình hình kinh doanh gặp khó khăn ông Nguyễn Văn Nhân không thể thanh toán nợ gốc và tiền lãi đúng hạn, nên GP Bank đã khởi kiện ông Nhân ra tòa án và sau hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, ông Nhân bị tuyên phải trả tiền cho ngân hàng, nếu không thì phải giao tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất cho ngân hàng mà ông đã thế chấp để xử lý khoản nợ.
Điều đáng nói, theo đơn ông Nhân phản ánh, kể từ sau bản án, GP Bank có đơn yêu cầu thi hành án gửi Chi Cục THADS Đan Phượng. Tháng 9-2014, Chi Cục THADS huyện Đan Phượng đã thi hành án theo đơn của GP Bank. Từ đây bên cạnh những khó khăn, thiệt hại do bị phía ngân hàng xiết nợ, ông Nguyễn Văn Nhân lại thêm khó khăn thiệt hại do bị chấp hành viên Trần Phương Thúy thi hành án có dấu hiệu sai trái, dẫn tới ông Nhân thiệt đơn thiệt kép, tài sản trên đất là toàn bộ tường bao và hàng trăm gốc chuối sắp đến kỳ thu hoạch cũng bị mất trắng do không được kê biên, không được định giá. Ngoài ra, cũng theo đơn của ông Nhân, vợ chồng ông là bên phải THA nhưng không được thông báo về việc kê biên, cưỡng chế; không được thông báo để tham gia kê biên, thỏa thuận định giá, thỏa thuận được mua lại tài sản của mình. Sau đó tài sản là quyền sử dụng đất của ông bị bán giá rẻ mạt, tài sản trên đất bị mất toàn bộ.
Trao đổi với PV Báo CCB Việt Nam, ông Lê Đình Hưởng, Chi Cục trưởng Chi cụ THADS Đan Phượng cho biết, ông Nhân có nhiều đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng tố cáo Chấp hành viên Trần Phương Thúy. Ngày 20-6-2016, phía Chi cục đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác xác minh nội dung tố cáo của ông Nhân do các cơ quan VKS huyện Đan Phương, Huyện ủy Đan Phượng, Thanh Tra Sở Tư pháp Hà Nội... chuyển đơn đến.
Theo ông Hưởng, sự việc giải quyết đơn tố cáo đang được Chi cục tích cực giải quyết theo qui định của pháp luật. “Sau khi có kết quả giải quyết đơn tố cáo sẽ gửi thông báo cho báo chí biết” – ông Hưởng cho hay.
** Chấp hành viên có làm sai?**
Về sự việc trên, trao đổi với Luật sư Đào Liên - Giám đốc điều hành Công ty Luật Tiền Phong - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội, luật sư Liên cho biết: Nếu như đơn ông Nhân phản ánh, thì khi kê biên tài sản THA phải có mặt người phải người THA. Cụ thể, Điều 71 Luật THADS quy định, một trong các biện pháp cưỡng chế THA là kê biên. Điều 72 quy định chấp hành viên có nghĩa vụ lên kế hoạch cưỡng chế THA, kế hoạch này “phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát, cơ quan Công an cùng cấp, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi tổ chức cưỡng chế hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc cưỡng chế THA”.
Tại Điều 88 quy định về việc thực hiện việc kê biên như sau: Trước khi kê biên tài sản là bất động sản ít nhất là 03 ngày làm việc, Chấp hành viên thông báo cho đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm, tài sản kê biên, trừ trường hợp cần ngăn chặn đương sự tẩu tán, huỷ hoại tài sản, trốn tránh việc thi hành án.
Việc kê biên tài sản phải lập biên bản. Biên bản phải ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm kê biên, họ, tên Chấp hành viên, đương sự hoặc người được ủy quyền, người lập biên bản, người làm chứng và người có liên quan đến tài sản; diễn biến của việc kê biên; mô tả tình trạng từng tài sản, yêu cầu của đương sự và ý kiến của người làm chứng.
Biên bản kê biên có chữ ký của đương sự hoặc người được uỷ quyền, người làm chứng, đại diện chính quyền cấp xã hoặc đại diện tổ dân phố nơi tổ chức cưỡng chế, Chấp hành viên và người lập biên bản.
Theo luật sư Liên, nếu tố cáo của ông Nguyễn Văn Nhân là đúng thì chấp hành viên đã vi phạm quy định của pháp luật về kê biên tài sản THA. Giả sử ông Nguyễn Văn Nhân không nhận được thông báo về việc kê biên thì sẽ không thể tham gia để ký vào biên bản kê biên, đồng thời ông Nhân cũng không thể kiểm tra biên bản kê biên xem đã liệt kê các tài sản trên đất, để bảo vệ quyền lợi của mình kịp thời. Chỉ trong trường hợp đã được thông báo hợp lệ mà đương sự hoặc người được ủy quyền vắng mặt thì Chấp hành viên mới được tiến hành việc kê biên.
Vẫn theo luật sư Liên, khi cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất phải có mặt đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đất đai và đại diện UBND cấp xã nơi có đất cùng chứng kiến. Cụ thể, tại Điều 117 Luật THADS quy định: Trường hợp bản án, quyết định tuyên nghĩa vụ chuyển giao quyền sử dụng đất thì Chấp hành viên tổ chức giao diện tích đất cho người được THA.
Khi tiến hành giao đất phải có sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cùng cấp và Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có đất được chuyển giao.
Trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì Chấp hành viên yêu cầu người có tài sản đó tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao cho người được thi hành án. Nếu người có tài sản không thực hiện thì Chấp hành viên cưỡng chế tháo dỡ hoặc chuyển tài sản ra khỏi diện tích đất phải chuyển giao, trừ trường hợp đương sự có thoả thuận khác. Chi phí cưỡng chế do người có tài sản chịu.
Trường hợp tài sản gắn liền với đất có trước khi có bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án, quyết định được thi hành không tuyên rõ việc xử lý đối với tài sản đó thì cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu Toà án đã ra bản án, quyết định giải thích rõ việc xử lý đối với tài sản hoặc đề nghị Toà án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Trong khi đó, Điều 64 Luật Đất đai 2003; Điều 24 Luật Đất đai 2013 đều quy định: Cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở trung ương là Bộ Tài nguyên và Môi trường. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Như vậy, khi cưỡng chế giao đất, phải có sự tham gia của đại diện Phòng TNMT huyện Đan Phượng và đại diện UBND xã Phương Đình. Nếu không tuân thủ tức là chấp hành viên đã vi phạm pháp luật – luật sư Liên nói.
Về việc định giá tài sản THA, luật sư Liên phân tích: Điều 98 Luật THADS quy định: Ngay khi kê biên tài sản mà đương sự thoả thuận được về giá tài sản hoặc về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên lập biên bản về thỏa thuận đó. Giá tài sản do đương sự thoả thuận là giá khởi điểm để bán đấu giá. Trường hợp đương sự có thoả thuận về tổ chức thẩm định giá thì Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá đó.
Chấp hành viên ký hợp đồng dịch vụ với tổ chức thẩm định giá trong trường hợp đương sự không thoả thuận được về giá và không thoả thuận được việc lựa chọn tổ chức thẩm định giá.
Nếu chấp hành viên không thông báo cho người phải thi hành án (NPTHA) để tham gia kê biên thì họ (NPTHA) không có cơ hội được thỏa thuận về giá tài sản và lựa chọn đơn vị định giá. Điều này là vi phạm pháp luật.
Về việc thông báo các văn bản THA, tại Điều 39 Luật THADS quy định: Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc thi hành án phải thông báo cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.
Việc thông báo được thực hiện bằng hình thức: Thông báo trực tiếp hoặc qua cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật; Niêm yết công khai; Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Văn bản thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp và yêu cầu người đó ký nhận hoặc điểm chỉ. Trường hợp người được thông báo vắng mặt thì văn bản thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó, bao gồm vợ, chồng, con, ông, bà, cha, mẹ, bác, chú, cô, cậu, dì, anh, chị, em của đương sự, của vợ hoặc chồng của đương sự.
Việc giao thông báo phải lập thành biên bản. Ngày lập biên bản là ngày được thông báo hợp lệ.
Nếu chấp hành viên không thông báo Quyết định về thi hành án, giấy báo, giấy triệu tập và văn bản khác có liên quan đến việc THA cho ông Nguyễn Văn Nhân là vi phạm pháp luật.
Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Bài và ảnh: Doanh Chính