• Lại căn bệnh đau đầu hành hạ anh chứ gì?
  • Đúng đấy đồng chí chi hội trưởng ạ!
    Nghe tôi hỏi, Lê Văn Tú nhăn nhó trả lời. Mùa hè nóng bức, chiếc áo lót ướt đẫm mồ hôi dính chặt vào thân hình gầy guộc của anh.
    CCB Lê Văn Tú chỉ vào hai cây quạt điện đặt chéo hai góc phòng khách đang quay vù vù, cười gượng gạo:
  • Các anh thông cảm! Mùa hè mọi người dùng quạt để quạt mát, còn nhà tôi chủ yếu để xua đuổi ruồi nhặng!
    Anh Tú nói không ngoa. Chúng tôi ngồi nói chuyện, ruồi bay vù vù trước mặt. Xung quanh sân, thậm chỉ cả trong nhà, hàng chục chiếc bát, đĩa đựng thuốc diệt ruồi, cái nào cái nấy ruồi chết đầy trông như đĩa bát đựng đậu đen.
  • Mùa hè, có những hôm gia đình tôi phải vào màn ăn cơm để ruồi nhặng không bậu vào thức ăn, các anh ạ!
    Thật xót xa khi nghe câu nói chua chát của người CCB, thương binh Lê Văn Tú đã ở tuổi thất thập cổ lai hi. Đúng là “chuyện lạ có thật”. Màn thường dùng vào ban đêm để tránh muỗi, đằng này lại dùng cả ban ngày để ngăn chặn ruồi nhặng. Nguyên nhân chính đế có “chuyện lạ” này là do khu bãi rác thải khổng lồ của thị xã nằm cách nhà CCB Lê Văn Tú chưa đầy 50m…
    Đứng ở nhà anh Tú nhìn xuống dòng sông Đơ tôi bùi ngùi chua xót. Trước kia, nước sông trong xanh, hai bên bờ sông những hàng phi lao, bạch đàn rủ bóng xuống nước thật thơ mộng. Chiều muộn, lũ trẻ chăn trâu bò nhảy ùm xuống sông thoả sức vẫy vùng. Giờ đây nước từ bãi rác thải ngấm xuống, nước sông chuyển sang màu vàng đục. Hàng cây hai bên bờ cằn cỗi, héo khô. Dòng sông chảy lững lờ không còn tiếng trẻ nô đùa; không ai dám lấy nước dùng vào bất kỳ việc gì hằng ngày. Thật đau lòng… nhớ lại hơn 10 năm về trước, dòng sông Đơ là nguồn sinh sống của người dân hai bên bờ sông. Tháng 9-1976, thương binh Lê Văn Tú về quê “an cư lạc nghiệp” cuộc sống của gia đình anh đỡ khó khăn hẳn đi. Thế mà, đùng một cái năm 2000, thị xã Sầm Sơn quyết định chuyển bãi rác từ xóm Núi về phía bờ sông Đơ, với lý do đơn giản: Chỗ cũ chật chội, không chứa hết rác thải. Tai vạ ập đến nhà CCB Lê Văn Tú cùng 5 gia đình CCB và một số hộ dân khu phố Thanh Tiến từ đấy.
    Lúc đầu cũng chỉ là một bãi rác. Nhưng rồi dân số tăng theo thời gian; thị xã phát triển. Mùa hè, khách du lịch đến Sầm Sơn dồn dập. Lượng rác thải cũng nhiều lên gấp bội. Đêm đêm xe ô tô chở rác thải đua nhau chạy về phía sông Đơ. Chiếc máy húc ủi rác thải phát ra tiếng kêu nặng nề vang vọng trong đêm tối. Từ một bãi rác, đến nay hơn 10 năm trời đã trở thành núi rác thải khổng lồ, chiếm diện tích khoảng 20.000m2. Từ núi rác thải khủng khiếp này, ngày đêm tỏa ra mùi hôi thối làm ô nhiễm cả một vùng rộng lớn của khu phố Khanh Tiến. Nước từ núi rác thải thấm xuống ao nuôi cá của các CCB Lê Văn Tú, CCB Nguyễn Trọng Tình, vàng ệch, hôi hám, cá không sống nổi. Cây ăn quả trồng ven bờ ao, lá từ màu xanh nay chuyển sang màu vàng úa, không ra hoa kết trái được. Những thửa ruộng của bà con nông nghiệp gần khu vực núi rác thải, nước bị ô nhiễm, lúa không trổ bông.
    Nhưng điều đáng nói ở đây là vấn đề sức khoẻ của những người sống chung cùng rác thải đã hơn chục năm nay. Hai vợ chồng CCB, thương binh Lê Văn Tú đều mắc bệnh phổi, bệnh tim, bệnh dạ dày, đặc biệt bệnh đau đầu khó chữa. CCB Nguyễn Thị Thứ (vợ anh Tú) hiện đang trong tình trạng “chân chậm, mắt mờ”. Các CCB Nguyễn Trọng Tình, Cao Sĩ Đại, Trần Xuân Bảy đều cùng chung số phận như vợ chồng CCB Lê Văn Tú. Năm nào các anh cũng phải nằm điều trị ở bệnh viện vài ba lần, chưa kể những lần cấp cứu đột xuất. Ở thị xã du lịch nghỉ mát mà các CCB này phải đi xa hơn 1km để lấy nước sạch về dùng hàng ngày. Vậy mà tiếng kêu cứu của những người sống chung cùng rác thải lâu nay đều vô vọng. Còn nhớ bí thư chi bộ khu phố Khanh Tiến, CCB Vũ Xuân Kỷ và trưởng khu phố, CCB Lê Văn Đặng đã nhiều lần đề nghị với chính quyền các cấp phải nhanh chóng di chuyển khu bãi rác thải đi nơi khác để bảo đảm cuộc sống cho những gia đình ở xung quanh vùng rác thải. Vậy mà các anh về cõi vĩnh hằng đã dăm năm nay rồi nguyện vọng vì quyền lợi của người dân vẫn không được thực hiện… Những lời hứa của lãnh đạo các cấp đều theo xe và chẳng bao giờ “hồi âm” trở lại… núi rác thải vẫn đứng sừng sững bên bờ sông Đơ như thách thức với thời gian. Chẳng lẽ họ cứ phải vật lộn với cuộc sống và bệnh tật quái ác luôn luôn rình rập, đe doạ đến tính mạng của họ hay sao? Chẳng lẽ họ cứ ôm hận suốt đời nhìn dòng sông Đơ ngày đêm lững lờ trôi mang theo mùi hôi thối của rác thải…

ĐINH ĐÌNH TUẤT
(Hội trưởng CCB khu phố Khanh Tiến)
Chú thích ảnh: Một góc bãi rác