Đàn đá - nối quá khứ và hiện tại

Đó là một đêm mưa nặng hạt, ngày 10-6-2010. Nhưng hầu như không gian không làm ảnh hưởng gì đến tiếng đàn đá dười bàn tay kỳ tài của NSND Đỗ Lộc đã làm cho những thanh đá biết dãi bày vui, buồn; biết cười, biết khóc... Những giai điệu trong trẻo, khi trầm, khi bổng dẫn dắt người nghe về với Đại ngàn Tây Nguyên.

Nhưng rất bất ngờ và tôi hiểu thêm ra, khi GS.TS Trần Văn Khê nói đại ý: Bộ đàn đá hôm nay do NSND Đỗ Lộc chế tác gồm những thanh đá mỏng bằng phẳng, không sần sùi, góc canh như những bộ đàn đá nguyên thủy, nên tiếng đàn vẫn chưa bộc lộ hết được “Phong cách Tây Nguyên”.

Ra thế, chỉ có nước ta và chỉ có ở Tây Nguyên mới có đàn đá cổ, mà bộ đàn đá đầu tiên ta phát hiện được tại nơi cư trú của đồng bào M’Nông huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắc Nông vào năm 1993. Bộ đàn đá này chỉ có 3 thanh và nó đã được các nhà nghiên cứu xác định có từ thời đồ đá, cách đây gần 3.000 năm. Sau này cũng tìm thêm được một số bộ đàn đá khác gồm 12 thanh ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa. Và vào năm 1949, nhà Dân tộc học người Pháp Georges Condominas khai quật được bộ đàn đá cổ gồm 11 thanh đá chôn sâu dưới lòng đất ở xã Ndut Lieng Krak, huyện Lạc Dương, tỉnh Đắk Lăk. Hiện bộ đàn đá được trưng bày tại Bảo tàng Con Người, ở Paris.

Cố GS TS Trần Văn Khê phân tích cho chúng tôi hiểu, âm thanh đàn đá dường như là phương tiện nối liền cõi âm với cõi dương; giữa con người với trời đất thần linh; giữa hiện tại với quá khứ... Ở âm vực cao, tiếng đàn đá thánh thót xa xăm; ở âm vực trầm, đàn đá vang như tiếng dội của vách đá... Và đàn đá cũng dường như chỉ dành riêng cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Mỗi âm thanh của đàn đá cất lên người nghe như cảm được chính người Tây Nguyên gửi lòng mình vào đá. Tiếng đàn thay cho lời kể, niềm an ủi, khi vui, khi buồn của những người sống giữa đại ngàn núi rừng bao la...

Với bề dày từng trải người M’Nông đã làm ra những bộ đàn đá nguyên sơ thể hiện sự giao thoa, chinh phục của con người với thiên nhiên, mà sơ khai người M’Nông dùng để đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng và sau này phục vụ các văn hóa cộng đồng.

Việc bảo tồn, phục dựng đàn đá quả thực không thể làm ở chốn đô Thành, càng không thể gọi là nhạc cụ “Bác học”. Nhưng lại không nhạc cụ nào thay thế được Đàn đá. Giống như không dân tộc nào thay thế được các dân tộc Tây Nguyên.

Phạm Đông