Dân chủ thực sự hay “đi đêm”?
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là một sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân ta. Cuộc bầu cử lại diễn ra sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Đây cũng là thời điểm Nhà nước ta đang khẩn trương đưa Hiến pháp 2013 vào cuộc sống. Quốc hội cũng vừa tiến hành miễn nhiệm, bầu bằng hình thức bỏ phiếu kín, một số chức danh chủ chốt, như Chủ tịch Quốc hội, một số Phó chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ…
Thế nhưng trên một số trang mạng tự gọi là “Lề dân”, có kẻ đã xuyên tạc bản chất dân chủ của cuộc bầu cử này, họ đã post bài lên mạng rằng: đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, việc đề cử chỉ là “độc quyền của Đảng” và các tổ chức “nối dài” của họ bằng các hình thức “đi đêm”. Ngoài vài người được Đảng lựa chọn ngầm hầu hết những người tự ứng cử bị loại bỏ một cách không thương tiếc…”. Người ta còn kêu gọi các nhà “dân chủ” hãy “tự ứng cử”. Thậm chí trên mạng người ta đang hô hào ký tên ảo ủng hộ cho người này, người kia vào Quốc hội. Họ nói tự ứng cử là để phá bỏ các thủ tục, mưu mẹo phi dân chủ được thiết kế trong các khâu của quy định hiện hành như Hội nghị cử tri…
Thực tế cho thấy tất cả những điều họ viết trên mạng chỉ nhằm xuyên tạc, bôi nhọ chế độ ta nói chung, Hiến pháp và pháp luật về bầu cử của Nhà nước ta nói riêng.
Lịch sử cách mạng nước ta, hơn 70 năm qua (1945-2016) cho thấy, hiếm có một Đảng chính trị nào như Đảng Cộng sản Việt Nam đã sớm ý thức được rằng Đảng chính trị lãnh đạo cách mạng không có mục đích nào khác, ngoài lợi ích Quốc gia Dân tộc. Bởi vậy ngay sau khi lãnh đạo cuộc cách mạng giành được độc lập (8-1945) chưa đầy nửa năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định tiến hành Tổng tuyển cử trong cả nước, bầu ra Chính phủ để quản lý đất nước. Ngày 6-1-1946, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ, cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra trong cả nước, bầu Quốc hội và Quốc hội bầu ra Chính phủ và chính quyền các cấp. 12 cuộc bầu cử Quốc hội các khóa tiếp theo đều thực hiện theo tinh thần quyền lực Nhà nước phải thuộc về nhân dân. Hiến pháp 2013 đã tái khẳng định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân… Nước CHXHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân”.
Với trách nhiệm là người lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Chỉ thị (số 51-CT/TƯ, ngày 04-1-2016) của Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử theo tinh thần: Bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật; giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, đặc biệt “Không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ…”
Rút kinh nghiệm từ các khóa trước, tinh thần Chỉ thị 51 của Bộ chính trị nhằm nâng cao thực quyền của Quốc hội với những quan điểm như: Cơ cấu đại biểu hợp lý, “Giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính”; “tăng số lượng đại biểu chuyên trách”; “bảo đảm người ứng cử là phụ nữ, người dân tộc thiểu số có tỷ lệ hợp lý, đại biểu các tôn giáo…, đại biểu trẻ, đại biểu là các nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sỹ, đại biểu xuất thân từ công nhân, nông dân, doanh nhân, đại diện các hiệp hội, nghiệp đoàn về các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh”…
Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử phải bảo đảm theo đúng quy trình, trong đó phải bảo đảm việc tổ chức hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử đại biểu Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật… Hiệp thương giữa các tổ chức chính trị - xã hội để giới thiệu Đại biểu là một nét ưu việt của chế độ dân chủ trong bầu cử của chế độ ta. Chỉ với các tổ chức chính trị-xã hội mới có thể nhìn nhận bao quát được các nhóm xã hội, đồng thời trao đổi để đi đến một cơ cấu Đại biểu hợp lý.
Tại Hội nghị hiệp thương Lần thứ nhất (16-2-2016), với tinh thần dân chủ cởi mở, nhiều ý kiến đã thẳng thắn nêu vấn đề. Chẳng hạn có ý kiến cho rằng nên nâng cao hơn số lượng đại biểu là người ngoài Đảng; xem xét thêm cơ cấu đại biểu là dân tộc ít người; cần rút kinh nghiệm phát huy dân chủ của Đại hội XII của Đảng, đưa vào cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp lần này; nên có cơ cấu cho người tự ứng cử nhưng chú ý đến tiêu chuẩn…
Như vậy là cả trong Chỉ thị của Đảng và thảo luận, quyết định của các cơ quan tham gia Hội nghị hiệp thương đều không có chuyện “đi đêm” như họ xuyên tạc.
Trong xã hội thông tin, xã hội ảo và nhất là vẫn còn không ít những kẻ vì những lý do khác nhau chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta, thiết tưởng mọi người cần tỉnh tảo với những thủ đoạn lợi dụng dân chủ, tung tin dẫn dắt dư luận xã hội, phá hoại cuộc bầu cử Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp.
Bắc Hà