Đồng chí ơi!
Mai tôi gặp quân thù
Mưu kế súng gươm dẫu chưa cân sức
Nhưng nhân nghĩa quyết chôn vùi bạo ngược
Khí phách này đã luyện tự ngàn thu.

Hãy cho tôi nhìn đất xanh trời biếc
Nếu khi về không nguyên vẹn chân tay
Hoặc lửa nồng nàn không còn trong đôi mắt
Cho tôi nghe tiếng trẻ học bài
Tiếng thơ ngân mùa mưa bụi gió bay.

Cũng có thể tôi không về với ngày chiến thắng
Xin được vĩnh hằng nằm lại Nha Trang
Làm bóng dương xanh ôm bờ cát trắng
Gọi sóng biển trào mỗi độ xuân sang.
Nguyễn Khoa Điềm

Lời bình của Huỳnh Đường
Người lính khi xung trận, sự sống luôn cận kề với cái chết. Khoảnh khắc ấy chỉ trong gang tấc. Không ai không tiếc xương máu và cuộc sống của mình. Nhưng nếu cần sự hy sinh tính mạng vì sự nghiệp diệt giặc giữ nước thì anh Bộ đội Cụ Hồ luôn sẵn sàng hy sinh tất cả. Và đó là khí phách anh hùng không chỉ ở những người lính mà còn ở trong tất cả con người, dân tộc Việt Nam. Nó được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong bài thơ “Dặn bạn”.
Trước khi đi vào nơi mà sự sống và cái chết luôn cận kề, nhưng lời dặn bạn bè, đồng đội sao mà nhẹ nhàng, sao mà thanh thản đến vậy. Mở đầu bài thơ là tiếng gọi quá ư thân quen giữa những đồng đội, đồng chí: “Đồng chí ơi/ Mai tôi gặp quân thù/ Mưu kế súng gươm dẫu chưa cân sức/ Nhưng nhân nghĩa quyết chôn vùi bạo ngược/ Khí phách này đã luyện tự ngàn thu”. Cuộc chiến có thể không cân sức nhưng anh lính đã khẳng định chính nghĩa sẽ thắng phi nghĩa. Câu thơ như một lời nói nhưng đã cho người đọc liên tưởng đến khí phách chống giặc ngoại xâm của ông cha ta. Và “Nam quốc sơn hà Nam Đế cư” tương truyền của Lý Thường Kiệt như sống động lại trong lòng người đọc. Nhà thơ đã rất thành công khi sử dụng cụm từ khí phách của anh lính đã được rèn luyện từ nghìn năm trước. Cuộc chiến có thể không cân sức về súng đạn và mưu lược, nhưng nhân nghĩa sẽ thắng bạo ngược. Đó chính là niềm tin, là khẳng định để anh lính nhắn gửi lại đồng đội. Và nếu anh chiến sĩ ấy có thể hy sinh một phần thân thể, hy sinh cả thân mình thì các đồng đội, người thân hãy: “Hãy cho tôi nhìn đất xanh trời biếc/ Nếu khi về không nguyên vẹn chân tay/ Hoặc lửa nồng nàn không còn trong đôi mắt/ Cho tôi nghe tiếng trẻ học bài/ Tiếng thơ ngân mùa mưa bụi gió bay”.
Vâng đúng vậy. Anh trở về không còn nguyên vẹn chân tay và vì vậy không còn nồng nàn ngọn lửa tình yêu đôi lứa, có thể không có vợ và gia đình với những đứa con. Thì tụi trẻ trong làng chính là những đứa con của anh. Khái quát tài tình, ẩn dụ sự sứt mẻ tình cảm và mất đi sự nồng nàn đôi lứa được nhà thơ thể hiện rất khéo, rất kín đáo ở “Hoặc lửa nồng nàn không còn trong đôi mắt”. Ở đây có thể hiểu là có đôi mắt nồng nàn của người con gái nào đó đã từng nhìn anh trước khi anh ra trận. Mặc dù vậy anh lính muốn được nghe thơ để xua đi “Những mưa bụi gió bay”. Mất mát đấy nhưng lạc quan ở tương lai, đó là những đứa con tinh thần của anh lính và mất mát chỉ là “mưa bụi gió bay”.
Khổ thơ thứ ba cũng là khổ kết. Anh lính lường trước là mình có thể hy sinh: “Cũng có thể tôi không về với ngày chiến thắng/ Xin được vĩnh hằng nằm lại Nha Trang/ Làm bóng dương xanh ôm bờ cát trắng/ Gọi sóng biển trào mỗi độ xuân sang”. Có thể thấy nhà thơ đã lột tả được cái thanh thản cũng như sự ước vọng luôn làm được điều gì đó có ích cho những người còn sống mặc dù mình đã đi vào cõi vĩnh hằng. Anh lính lạc quan với cảnh đẹp của biển Nha Trang và xin được nằm lại với chiến trường, nơi mà anh đã hết mình chiến đấu. Một địa danh cụ thể trong thơ đã tôn vinh cảnh đẹp đất nước. Và anh lính muốn được làm một cây dương xanh (phi lao) để rộng tình ôm bờ cát trắng. Và để gọi sóng biển trào dâng mỗi độ xuân về. Rất lãng mạn nhưng cũng rất hào hùng và thật nhẹ nhàng thanh thản trở về với đất mẹ. Đó là cái hay của bài thơ, cái cảm động với sự hy sinh của anh Bộ đội Cụ Hồ.
H.Đ