Đam mê làm kinh tế

Quê ông vùng bãi ngang, dân làm nghề biển nhưng phần lớn đánh bắt gần bờ, cuộc sống rất khó khăn. Xã ông cũng là xã nghèo của huyện Nghi Xuân. Về quê hương, mặc dù sức khỏe rất yếu nhưng ông nghĩ ngay làm kinh tế trên mảnh đất còn khó khăn này. Mùa mưa nước ngập trắng đồng, mùa khô nắng cháy làm cho cây, cỏ chết, nhà nào cũng lo hỏa hoạn.

Năm 1995, ông bàn với chính quyền địa phương phải trồng cây chắn cát và nhận 2ha đất trồng lại rừng cây phòng hộ ven biển mà mấy năm trước đã bị hai cơn bão lớn tàn phá thành bãi cát hoang.

Khó khăn chồng chất khó khăn, nhưng ông không nản chí. Trồng cây đã khó, bảo vệ cây còn khó hơn, ông bàn với vợ con kéo điện, làm đường, xây nhà ở ngay tại chỗ vừa trồng, vừa bảo quản và chăm sóc cây.

Những năm đầu, ông trồng phi lao xen cây lương thực và trồng rau để có thu nhập ngay và tiếp tục nhận khai hoang 600m2 đất vùng thấp, đất ven kênh rạch, trồng củ quả, ươm cây giống. Củ quả ông vừa ăn vừa bán lấy tiền mua phân bón, giống không phải mua, nên cứ thời tiết tốt là huy động con cháu ra trồng, tỷ lệ cây sống rất cao. Từ đó mỗi năm ông trồng mới được từ 1000 đến 1.500 cây.

Noi theo gương ông, xã Xuân Liên thành phong trào trồng cây phòng hộ ven biển được hàng chục nghìn cây, riêng gia đình ông trồng được 3ha, trong đó 1ha lấn biển, góp phần làm giảm thiên tai trong mùa mưa bão.

Hằng ngày, ngoài chăm sóc cây, vợ chồng ông còn chăn nuôi lợn, bò và thả vịt. Năm 2011 ông tự bỏ vốn 50 triệu đồng khôi phục nghề rùng (kéo lưới) truyền thống, tạo công ăn việc làm cho 25 lao động, chủ yếu là anh em thương, bệnh binh, người cao tuổi còn lao động được. Đánh bắt khoảng 80 ngày trong một năm thu được trung bình trên 16 tấn cá, tôm, mực các loại, trị giá trên 100 triệu đồng. Sau đó ông lại kết nạp thêm 5 lao động, đầu tư 50 triệu đồng vốn phát triển lưới rẹo đánh cá cơm. Kết quả mới đánh bắt lần đầu mà đã thu hồi được vốn, mọi người vô cùng phấn khởi. Được mọi người động viên, ông phát triển thêm lưới đánh cá cơm, tăng lên mỗi năm đánh bắt khoảng 40 ngày, thu hoạch 8-9 tấn, bán được từ 70 đến 80 triệu đồng.

Năm 2015 xã thành lập tổ HTX, ông được bầu vào Ban quản lý, thành lập thêm nghề làm sứa, trung bình mỗi năm thu về trị giá khoảng 200 đến 250 triệu đồng. Hằng năm, ông ủng hộ quĩ đền ơn, đáp nghĩa, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ từ 5-8 triệu đồng. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, bản thân ông tự dỡ phá 15m tường, hiến 20m2 đất, ủng hộ trên 10 triệu đồng.

Ông trở thành gương điển hình về tinh thần đam mê lao động sáng tạo của người lính Cụ Hồ trên trận tuyến mới.

Hải Hưng