Đảm bảo thực hiện chính sách đầy đủ với dân công hỏa tuyến
Kết luận 192-TB/TW, ngày 29-01-2015 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XI), khẳng định: Cùng với các chính sách đã triển khai thực hiện, chính sách với DCHT là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu rộng, không chỉ ghi nhận, tôn vinh đối với những đóng góp của lực lượng DCHT, mà còn thể hiện sâu sắc truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, đáp ứng nguyện vọng, sự mong đợi của lực lượng DCHT trong các thời kỳ.
Ngày 14-10-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 49/2015/QĐ-TTg về “Một số chế độ, chính sách đối với DCHT tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế”. Theo đó, DCHT có đủ điều kiện theo quy định sẽ được hưởng chế độ trợ cấp một lần, chế độ bảo hiểm y tế, chế độ trợ cấp mai táng phí khi từ trần và được cấp Giấy chứng nhận tham gia DCHT.
Theo số liệu khảo sát, cả nước có khoảng gần một triệu đối tượng tham gia DCHT trong các thời kỳ. Hiện nay, các đơn vị, địa phương đang tập trung hướng dẫn đối tượng kê khai, lập hồ sơ và tiến hành xét duyệt ở các cấp. Đã có gần 50% số đối tượng kê khai, xác lập hồ sơ để Hội đồng chính sách cơ sở xét duyệt; hơn 10.000 đối tượng được cấp quân khu thẩm định, trình cấp có thẩm quyền ra quyết định và thực hiện tổ chức chi trả chế độ, trao Giấy chứng nhận tham gia DCHT vào hai dịp kỷ niệm 69 năm Ngày thương binh, liệt sĩ 27-7 và Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 năm 2016. Do làm tốt công tác chuẩn bị, các đợt chi trả diễn ra nhanh chóng, chính xác, đúng đối tượng, bảo đảm an toàn mọi mặt. Hầu hết các đối tượng được hưởng chế độ yên tâm, phấn khởi, tin tưởng tuyệt đối vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Quân đội.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chi trả chế độ với lực lượng DCHT còn có nhiều vấn đề cần khắc phục. Trong đó phải kể đến một tồn tại quan trọng: Lực lượng DCHT chủ yếu tập trung theo đợt từ một đến hơn một tháng, hoặc từ 3 đến 6 tháng, có đợt kéo dài từ 18 tháng đến 3 năm. Khi trở về địa phương, ngoài một số ít người được ghi vào hồ sơ cá nhân, đa phần không có giấy tờ. Chính vì vậy mà phần lớn đối tượng DCHT không có hồ sơ, giấy tờ (chỉ khoảng 01% có giấy tờ liên quan), nên việc xác minh, kết luận gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi phải tiến hành thận trọng, tỷ mỷ và kết quả phụ thuộc lớn vào cấp cơ sở.
Theo quy định, đối tượng được hưởng chế độ cần đủ 3 điều kiện: được cấp có thẩm quyền huy động, giao nhiệm vụ phục vụ chiến đấu; làm nhiệm vụ trong thời gian và địa bàn theo quy định; chưa hưởng các chế độ khác. Để việc thực hiện chi trả chính xác, đúng đối tượng, các địa phương cần chú trọng phát huy vai trò của hệ thống chính trị, nhất là cấp uỷ, chính quyền cơ sở xã, phường và cơ quan quân sự, ngành LĐTBXH, Hội CCB, Hội Thanh niên xung phong, Ban liên lạc DCHT (nếu có), Hội Người cao tuổi, Ban công tác Mặt trận... trong lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Tổ tư vấn ở cấp huyện và xã, nhất là các thành viên của Tổ tư vấn là những DCHT trực tiếp tham gia kháng chiến. Từ đó, giúp UBND cùng cấp xác định các đợt và số lượng người tham gia DCHT qua các thời kỳ, làm cơ sở cho rà soát, xác định đối tượng tại các địa phương, cũng như xác nhận, xét duyệt, thẩm định hồ sơ... đảm bảo khách quan, chính xác, không sai, sót đối tượng và giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh từ cơ sở.
Kim Loan