Đảm bảo an sinh xã hội cho người cao tuổi
Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về NCT, hiện nay, cả nước có hơn 10 triệu NCT, chiếm 10,94% dân số, trong đó có gần 1,9 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 18,6% tổng số NCT). Số NCT sống ở khu vực nông thôn là hơn 6,6 triệu người (chiếm 65,7%); tỷ lệ NCT thuộc hộ nghèo khoảng 22%.
Nguồn sống của NCT Việt Nam khá đa dạng: Từ lao động của chính bản thân NCT (30%), lương hưu, trợ cấp và của cải tích lũy từ khi còn trẻ và do con cháu chu cấp (39,3%). Có sự khác biệt đáng kể giữa NCT thành thị và nông thôn về nguồn sống từ lương hưu, trợ cấp hoặc tự lao động để kiếm sống. Lương hưu hoặc trợ cấp là nguồn sống chính của 35,6% NCT ở thành phố, trong khi chỉ có 21,9% NCT ở nông thôn được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp. Tự lao động để kiếm sống là cách của 35,2% NCT ở nông thôn, khi chỉ có 17,5% NCT ở thành phố phải làm như vậy. Ở NCT, tuổi càng cao thì sự lệ thuộc vào chu cấp của con cháu càng lớn, tỷ lệ này tăng từ 26,3% (nhóm 60-69 tuổi) lên 46,6% (nhóm 70-79 tuổi) và 66,7% (nhóm từ 80 tuổi trở lên). NCT ở nhóm nghèo nhất lệ thuộc vào con cháu nhiều hơn (48,9% nhóm nghèo và 38% ở nhóm giàu).
Thực hiện đường lối đổi mới, hơn 30 năm qua, công tác đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) nói chung, ASXH đối với NCT nói riêng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hiện nay, nước ta đang trong giai đoạn “già hóa dân số” và các chính sách an sinh cho NCT càng được chú trọng. Trong những năm vừa qua, đời sống vật chất và tinh thần của NCT được cải thiện cùng với sự phát triển của đất nước. NCT, người cô đơn được hưởng chính sách của nhà nước hỗ trợ cuộc sống và chăm sóc sức khỏe; các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ngày càng phong phú đa dạng. NCT nghèo, thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội được cấp thẻ BHXH miễn phí; các hoạt động chăm sóc sức khỏe NCT ở cộng đồng được tổ chức rộng rãi hơn và NCT ốm đau được hưởng chăm sóc của gia đình, cộng đồng…
Hiện cả nước có 50 bệnh viện cấp T.Ư và cấp tỉnh có Khoa Lão khoa; 302 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho NCT; hơn 38.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho NCT; hơn 2.500 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa. Có gần 800.000 NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm do Trạm y tế xã tổ chức; hàng triệu NCT được tuyên truyền phổ biến kiến thức về chăm sóc và tự chăm sóc sức khỏe; hơn 114.000 NCT bị tàn tật, di chứng chấn thương, tai nạn, tai biến, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp... được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; gần 600.000 NCT được khám mắt và có 104.000 người được chữa bệnh miễn phí.
Xu hướng già hóa dân số đang tăng nhanh hiện nay đòi hỏi cần có những chính sách an sinh làm sao đảm bảo được các nhu cầu cho nhóm yếu thế, thiệt thòi và tránh tình trạng ngân sách nhà nước được đưa ra hỗ trợ chưa đúng người, đúng việc. Chăm sóc NCT cả về đời sống vật chất và tinh thần là một nội dung quan trọng trong chính sách mà Đảng và Nhà nước luôn nhấn mạnh trong tất cả các giai đoạn phát triển của đất nước. Trong đó đặc biệt chú trọng cải cách hệ thống ASXH, từ đó xây dựng một lộ trình chuyển đổi dần hệ thống hưu trí và bảo hiểm xã hội thích hợp và phù hợp với tình hình phát triển thị trường tài chính ở Việt Nam để từng bước xây dựng một hệ thống trợ giúp - trợ cấp xã hội phổ cập và dễ tiếp cận cho NCT.
Mai Anh