Đắk Lắk khẩn trương khoanh vùng, dập ổ dịch bạch hầu

Ngành y tế Đác Lắc cắm bảng cách ly khu vực xảy ra ổ dịch, hạn chế người dân ra vào tránh lây lan dịch bệnh.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch bạch hầu tại buôn H’ring, xã Ea H’ring, huyện Cư M’gar khiến một trẻ nhỏ tử vong và nhiều người nghi mắc bệnh phải nhập viện kiểm tra, điều trị, ngày 1-9, BS Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế Đác Lắc dẫn đầu đoàn công tác của ngành y tế tỉnh đã đến khu vực xảy ra dịch, triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm khoanh vùng, bao vây, dập ổ dịch bạch hầu nguy hiểm này.

Buôn H’ring là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Xê Đăng hàng chục năm nay, tuy nhiên nhiều năm nay người dân trong buôn không thực hiện đúng và đầy đủ việc tiêm chủng là nguyên nhân xuất hiện ổ dịch bạch hầu.

BS Nay Phi La cho biết, trước mắt, ngành y tế tỉnh nhập về hơn 10 nghìn cơ số thuốc đặc trị bệnh bạch hầu, phát cho người dân trong vùng dịch và phục vụ công tác phòng, chống lâu dài. Bên cạnh đó, ngành y tế tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành cắm biển cảnh báo cách ly, hạn chế người dân đi vào vùng có người mắc bệnh để hạn chế lây lan, tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường, khống chế sự lây lan của căn bệnh nguy hiểm này.

Đối với 11 người ở xã Ea H’đing đến viếng đám tang cháu H’Si Yan (sinh năm 2013, trú tại buôn H’ring) tử vong do bệnh bạch hầu, được đưa tới Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị, hiện có ba trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu. Vì vậy, ngành y tế đã tổ chức cách ly tuyệt đối, chăm lo toàn bộ từ vật dụng sinh hoạt đến việc ăn uống. Đồng thời, chỉ đạo Bệnh viên đa khoa huyện Cư M’gar tổ chức khu vực cách ly, sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và điều trị ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế chuyển bệnh nhân lên tuyến trên làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Cũng theo BS Nay Phi La, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường giám sát, chủ động phòng, chống bệnh trong toàn tỉnh. Nếu phát hiện sớm những trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, mang mầm bệnh thì phải kịp thời tổ chức cách ly, điều trị và xử lý triệt để, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng phục vụ cho công tác phòng, chống bệnh.

Như Nhân Dân điện tử đã thông tin, trước đó, bệnh nhi H’Si Yan (sinh năm 2013, trú tại buôn H’ring, xã Ea Hding, huyện Cư M’gar) có triệu chứng bị ốm nên gia đình đã đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Cư M’gar để thăm khám, điều trị. Do bệnh ngày càng nặng, sáng 29-8, cháu H’si Yan được chuyển lên Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên điều trị.

Khi nhập viện, cháu H’Si Yan trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thở khò khè, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu. Đến 14 giờ 30 phút, ngày 29-8, bệnh nhân chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, bệnh nhân lên cơn khó thở, phản xạ kém, chẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp cấp độ 4. Rạng sáng 30-8, bệnh nhân tử vong và kết luận nghi do bạch cầu.

Ngay sau đó, có 11 trường hợp ở gần nhà bệnh nhân đến dự đám tang có những triệu chứng bệnh tương tự nên đã phải nhập viện cách ly, theo dõi bạch hầu tại Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên. Qua kết quả xét nghiệm, đã có ba trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu.

Đây là trường hợp tử vong do bệnh bạch hầu trong nhiều năm qua ở Đác Lắc và sau khi xuất hiện ổ dịch đã làm nhiều người mắc bệnh nên gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng không chỉ cho người dân huyện Cư M’gar mà cả tỉnh Đác Lắc bởi sự lây lan nhanh và nguy hiểm của căn bệnh này.

Theo các bác sĩ trong ngành y tế, bạch hầu là căn bệnh lây lan qua đường hô hấp với biểu hiện ban đầu là sốt, ho, khàn tiếng, sau đó nổi các mảng trắng ở vùng hầu-họng, nếu nhìn bên ngoài có thể thấy sưng hạch ở cổ. Tính mạng bệnh nhân sẽ bị đe dọa khi các mảng trắng lan rộng, làm tắc đường thở. Ngoài ra, nội độc tố bạch hầu cũng sẽ bị phóng thích gây viêm cơ tim, dẫn đến suy hô hấp, sốc tim và tử vong. Tuổi nào cũng có thể mắc bệnh nhưng thường gặp hơn ở trẻ em ba đến bốn tuổi trở lên. Ở người lớn có hệ miễn dịch khỏe mạnh, cơ hội bệnh tự khỏi có thể lên tới 60%-70%, trong khi ở trẻ em thì bệnh thường nặng và khó tự khỏi hơn. Nếu đã dẫn đến biến chứng nặng như tắc đường thở hay viêm cơ tim thì rất khó cứu.

Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá lo lắng bởi căn bệnh này tại Việt Nam đã được khống chế tốt hơn 10 năm nay nhờ có chương trình tiêm chủng mở rộng.

NGUYỄN CÔNG LÝ