Xuân Thắng
(Theo lời kể của CCB Trần Quang Hiển -
thôn Lường, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang )
Mặc dù đã biết nhau từ trước vì cùng là cánh chơi thơ phú, nhưng khi vào đến cửa, thấy ông trong tư thế nửa nằm nửa ngồi trên ghế tôi hơi ngờ ngợ. Mặt ông trông như béo ra. Sau câu chào hỏi, nhận ra tôi, ông vui nhộn giới thiệu với cả nhà: “Đây là anh Thắng-chủ nhiệm CLB thơ Hương Vải, thị trấn Chũ”.
Ông vặn mình, tay đấm đấm vào lưng: “Già rồi, lắm bệnh quá, uống thuốc mặt phù ra đấy, 85 cái lá vàng rơi rồi!”. “Chúng con cố mong bằng tuổi ông...” - tôi động viên khéo - “À, mà nghe nói ngày xưa ông là lính Điện Biên?”. Như gãi đúng chỗ, ông hào hứng dốc tâm sự: “Đúng thế, nhưng là lính tiền chiến và hậu chiến chứ không tham gia trận nào trong 56 ngày đêm của chiến dịch”. Đoán được tôi không hiểu, ông kể tôi nghe quãng đời trận mạc xa lắc. Mới đấy mà đã hơn nửa thế kỷ rồi...
Cuối năm 1953, Trung đoàn 148 (Quân khu Tây Bắc) được điều từ Lào Cai về đóng tại bản Co My (cây mít) Điện Biên Phủ để chỉnh huấn. Chàng thanh niên Trần Quang Hiển là chiến sĩ trẻ của Đại đội thông tin 523 trực thuộc trung đoàn. Nhiệm vụ của đại đội anh là thu phát công văn tài liệu, thư tín. Một ngày tháng 10-1953, một máy bay b26 ném bom và một chiếc Đa-kô-ta thả xuống một trung đội lính dù. Tiểu đoàn 910 do đồng chí Trương Biên chỉ huy đã tóm gọn và anh bắt tên thiếu úy điện về đòi thả thêm quân dù. Nhưng chắc bị động, địch im lặng bỏ cuộc. Một tháng sau vào ngày 20-11-1953, cả trung đoàn hành quân đi đánh cứ điểm Lai Châu. Nhưng chưa ra khỏi lòng chảo Điện Biên thì máy bay địch ồ ạt ném bom rồi đổ quân dù xuống. Tiểu đoàn trưởng Trương Biên mừng quá, định cất một mẻ lớn. Anh điều từng đại đội ém quân sát thắt lưng địch sau mỗi đợt thả dù. Nào ngờ lần này địch đông quá tới 6 tiểu đoàn. Hai tiểu đoàn còn lại của ta là d920, d930 cũng kịp vào tiếp ứng. Một cuộc hỗn chiến không cân sức xảy ra. Tuy không hi sinh nhiều nhưng quân ta cũng phải tản mát lên miệng lòng chảo. Địch hí hửng thả truyền đơn: “Hỡi các cán binh Việt Minh. Quân đội Pháp đã làm chủ Điện Biên, nếu ai muốn theo chúng tôi xin đến gặp. Các bạn sẽ được trả lương như binh sĩ của chúng tôi và thăng thêm một cấp so với cấp bậc hiện có. Còn muốn về quê sinh sống chúng tôi chu cấp lộ phí, hãy đến với con đường sống!”. Đọc tờ truyền đơn, mọi người căm lắm. Nguyện chờ dịp sẽ quyết chiến trả hận. Nhưng ít ngày sau, khi các bộ phận tập hợp đông đủ thì cấp trên lại điều động sang Lào, áp tải và nhận hàng tiếp tế cho Điện Biên. Chiến dịch 56 ngày đêm kết thúc. Các đơn vị rút đi, Trung đoàn 148 lại được điều về Điện Biên với nhiệm vụ bảo vệ an ninh và xây dựng quê hương mới!
Một ngày tháng 7-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở lại thăm chiến trường... Trong buổi nói chuyện với cán bộ chiến sĩ của trung đoàn, ông quán triệt mọi người phải an tâm công tác lâu dài. Bỗng Tiểu đoàn trưởng Trương Biên giơ tay phát biểu: “Thưa Đại tướng, năm nay tôi 30 tuổi, nếu sống đến 70 thì còn 40 năm nữa. Mỗi năm được 10 ngày phép, đi đường hết 5 ngày, thăm họ hàng hết 3 ngày, ở với vợ con được 2 ngày, nhân với 40 năm thì chỉ sống với vợ con được... 3 tháng thôi!”. Tất cả im lặng hồi hộp, không hiểu cho Đại tướng sẽ trả lời ra sao trước câu hỏi hóc búa này. Không ngờ Đại tướng bình thản nói như có sẵn đáp án: “Đồng chí Trương Biên làm toán rất giỏi, chỉ có điều đấy là bài toán trên các sự kiện nằm im. Chúng ta nên nhớ ngày 18-8-1945 chưa có Cách mạng Tháng Tám; ngày 6-5-1954 chưa có chiến thắng Điện Biên Phủ. Vậy phải nhìn các yếu tố sống động thì mới thấy tương lai, phải không nào?”. Tất cả thở phào vỗ tay hoan hô như sấm dậy và thỏa mãn với một giải đáp chí tình chí lý. Liền sau đó Trần Quang Hiển giơ tay hỏi: “Thưa Đại tướng, chúng tôi đang làm hồ sơ nhận Kỷ niệm chương Điện Biên Phủ. Nhưng trong suốt chiến dịch 56 ngày đêm không được tham gia trận nào, vậy có xứng đáng không?”. Đại tướng trả lời tức khắc: “Chính các đồng chí đã nổ súng đánh địch đầu tiên ở Điện Biên, tại sao lại không xứng đáng. Vả lại không có những người như các đồng chí tải lương tiếp viện thì lấy gì nuôi quân đánh giặc tới 56 ngày đêm. Các đồng chí rất xứng đáng nhận Kỷ niệm chương”.
Tôi ngỏ ý muốn xem chiếc huy hiệu Điện Biên. Ông mở tủ lấy ra chiếc áo quân phục sĩ quan thường mặc vào các dịp đại lễ CCB. Trên ngực áo có chiếc huy hiệu dòng chữ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã ngả màu thời gian. Tất cả được bài trí sinh động trên nền nhỏ bằng chiếc huy hiệu Đoàn thanh niên. Điều khác biệt nhất với các loại huy hiệu là huy hiệu Điện Biên chỉ cấp một lần cho đối tượng, không bổ sung hay cấp lại. Để chứng minh điều này ông kể tôi nghe câu chuyện về chiếc huy hiệu của đại tướng Võ Nguyên Giáp mà ông biết qua chuyên san “Lịch sử và nhân chứng”. Không hiểu do sơ suất ở khâu nào mà người ta “quên” không tặng huy hiệu Điện Biên cho Đại tướng. Hai cán bộ viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để ý những lần Đại tướng đến thăm không thấy đeo. Họ bàn nhau rồi tặng Đại tướng chiếc huy hiệu của mình. Nhận huy hiệu Đại tướng vui lắm, từ đó đi đâu Đại tướng cũng đeo chiếc huy hiệu đó trên ngực.
Năm tháng trôi đi, người lính Điện Biên xưa nay đã là ông già ngoại bát tuần. Nhưng ký ức và trái tim nhiệt huyết vẫn nguyên vẹn một thời trai trẻ, trào lên thành những dòng tâm sự miên man: “Đằng đẵng 21 năm quân ngũ, hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Khi chuyển ngành mới hàm trung úy, về làm Phó giám đốc Xí nghiệp 8 (Bộ xây dựng). Giờ về hưu lấy thơ phú làm vui (ông là hội viên CLB thơ Kỳ Sơn, Hồng Giang). Mà vui nhất là những năm kỷ niệm chẵn chiến thắng Điện Biên Phủ. Lần này nếu được đi dự lễ kỷ niệm 60 năm tôi sẽ kể lại câu chuyện vấn đáp với Đại tướng năm xưa...”.
Chia tay ông trong tâm trạng đầy cảm mến. Thấp thoáng trong tôi ảo ảnh người lính áo trấn thủ, mũ lưới ngụy trang, tay cầm thủ pháo hăm hở trên con đường “Tây Tiến”-và bên tai tôi vẫn vang vọng lời hát nhạc không lời ngẫu hứng của ông lúc tiễn khách: tẻn tén tẹn ten, tẹn tẹn ten tén ten tẻn tèn... lã là la lả, là la lá la là la... phải, không có lời nhưng ai lại không biết bài hát đó.
X.T