Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Quyết định khó khăn nhất
Bộ Tổng tư lệnh họp bàn kế hoạch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, năm 1954.
Là Tổng tư lệnh, Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận Điện Biên Phủ - người được Bác Hồ và Bộ Chính trị giao trực tiếp cầm quân, cùng toàn dân, toàn quân làm nên một Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều luận văn, hồi ký giá trị viết về Điện Biên Phủ. Nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo CCB Việt Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc những dòng hồi ký của Đại tướng viết về quyết định khó khăn nhất và cũng quan trọng nhất - quyết định thay đổi phương châm tác chiến chiến dịch(dẫn từ “Võ Nguyên Giáp - Tổng tập Hồi ký”, Nxb QĐND, H, 2011).
“…Sáng ngày 26 tháng 1 năm 1954, Văn phòng thông báo cuộc họp Đảng ủy mặt trận.
Trước cuộc họp, tôi bảo đồng chí Hoàng Minh Phương - Trưởng đoàn phiên dịch của Bộ, chuẩn bị cho tôi gặp ngay đồng chí Trưởng đoàn cố vấn quân sự. Đồng chí Vi Quốc Thanh ngạc nhiên nhìn nắm ngải cứu trên trán tôi (đêm hôm trước vì suy nghĩ quá căng thẳng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã phải rịt lên trán một nắm lá ngải cứu - BT). Đồng chí ân cần hỏi thăm sức khỏe, rồi nói: Trận đánh sắp bắt đầu. Đề nghị Võ Tổng cho biết tình hình cho tới lúc này ra sao?
Tôi đáp: Đó cũng là vấn đề tôi muốn trao đổi với đồng chí Trưởng đoàn. Qua theo dõi tình hình, tôi cho rằng địch không còn trong trạng thái lâm thời phòng ngự mà đã trở thành một tập đoàn cứ điểm phòng ngự kiên cố. Vì vậy không thể đánh theo kế hoạch đã định…
Tôi nói tiếp ba khó khăn lớn của bộ đội, rồi kết luận: Nếu đánh là thất bại.
- Vậy nên xử lý thế nào?
- Ý định của tôi là ra lệnh hoãn cuộc tiến công ngay chiều hôm nay, thu quân về vị trí tập kết, chuẩn bị lại theo phương châm “Đánh chắc tiến chắc”.
Sau giây lát suy nghĩ, đồng chí Vi nói: Tôi đồng ý với Võ Tổng. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn.
- Thời gian gấp. Tôi cần họp Đảng ủy để quyết định. Và đã có ý dự kiến cho 308 tiến về Luông Pha Băng, bộc lộ lực lượng chừng nào, kéo quân địch về hướng đó, không để chúng gây khó khăn khi chúng ta kéo pháo ra…
Cuộc trao đổi giữa tôi và đồng chí Vi diễn ra khoảng hơn nửa giờ. Tôi nghĩ đồng chí Vi sẽ không dễ dàng thuyết phục các chuyên gia đã cho rằng chỉ có đánh nhanh thắng nhanh mới giành thắng lợi.
Sau này tôi mới biết, bộ phận chuẩn bị đi chiến dịch đã dừng lại ở Nà Sản để nghiên cứu địa hình, tìm hiểu vì sao những trận đánh mùa đông năm trước vào ngoại vi của của tập đoàn cứ điểm không thành công. Có ý kiến: Vì ta chỉ đánh từng cứ điểm nên địch tập trung toàn bộ hỏa lực pháo, máy bay, lực lượng phản kích, phát huy sức mạnh của cả tập đoàn cứ điểm vào từng nơi để ngăn chặn. Do đó, cách tốt nhất là lợi dụng khi địch mới tới, chưa kịp củng cố công sự, tập trung toàn bộ binh lực, hỏa lực từ nhiều hướng thọc sâu vào vào khu vực trung tâm phòng ngự làm phân tán sự đối phó của địch, kết hợp từ trong đánh ra, ngoài đánh vào tiêu diệt tập đoàn cứ điểm trong hai, ba ngày đêm liên tục chiến đấu. Bạn gọi đây là “Oa tâm tạng chiến thuật” (chiến thuật thọc vào tim). Đoàn cán bộ đi chuẩn bị chiến trường đều đồng tình. Đồng chí Vi Quốc Thanh lên sau, nghe các cố vấn báo cáo, thấy chủ trương đánh nhanh thắng nhanh là hợp lý. Nhưng khi biết tình hình đã thay đổi, người trực tiếp chỉ huy trận đánh không chấp nhận phương án đã lựa chọn, thời gian bây giờ không còn nhiều, đồng chí Vi đã nhanh chóng chuyển ý kiến.
Khi tôi quay về sở chỉ huy, các đồng chí trong Đảng ủy đã có mặt đông đủ.
Tôi trình bày những suy nghĩ đã có từ lâu chung quanh cách đánh tập đoàn cứ điểm, những thay đổi quan trọng của địch từ sau hội nghị Thẩm Púa tới nay; ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh.
Mọi người im lặng một lúc.
Anh Lê Liêm - Chủ nhiệm Chính trị, phát biểu: Đã động viên sâu rộng bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em đều rất tin tưởng, quyết tâm chiến đấu rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích cho bộ đội ra làm sao?
Anh Đặng Kim Giang - Chủ nhiệm Cung cấp, nói: Tôi thấy cứ giữ vững quyết tâm. Hậu cần chuân bị tới bây giờ đã khó khăn. Nếu không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được!
Tôi nói: Tinh thần bộ đội là rất quan trọng, nhưng quyết tâm phải có cơ sở. Hậu cần là điều kiện tiên quyết, nhưng cuối cùng, quyết định là phải có cách đánh đúng.
Đồng chí Hoàng Văn Thái nói: Anh Văn cân nhắc cũng phải… Nhưng lần này ta có ưu thế về binh lực, pháo 105 và pháo cao xạ xuất hiện lần đầu sẽ tạo bất ngờ lớn, lại có kinh nghiệm của bạn, tôi thấy nếu đánh vẫn có khả năng giành thắng lợi.
Trao đổi một hồi chưa đi tới kết luận, cuộc họp tạm dừng một lát.
Khi cuộc họp tiếp tục, tôi nói: Tình hình rất khẩn trương. Cần sớm có quyết định. Vô luận tình hình nào, chúng ta vẫn phải nắm nguyên tắc cao nhất là: Đánh chắc thắng. Trước khi tôi ra đi, Bác trao nhiệm vụ: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, tôi đề nghị các đồng chí trả lời câu hỏi: Nếu đánh có chắc thắng một trăm phần trăm không?
Anh Lê Liêm nói: Anh Văn nêu câu hỏi thật khó trả lời. Ai dám bảo là sẽ chắc thắng một trăm phần trăm!
Anh Đặng Kim Giang nói tiếp: Làm sao dám bảo đảm như vậy!
- Tôi nghĩ với trận này chúng ta phải bảo đảm chắc thắng trăm phần trăm.
Bây giờ anh Hoàng V ăn Thái mới nói: Nếu yêu cầu thắng trăm phần trăm thì khó…
Lát sau, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn mà ta chưa có biện pháp cụ thể để khắc phục.
Tôi kết luận: Để bảo đảm nguyên tắc cao nhất là “đánh chắc thắng”, cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ “đánh nhanh thắng nhanh” sang “đánh chắc tiến chắc”. Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết, và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới.
Sau đó, tôi phân công cho anh Hoàng Văn Thái ra lệnh cho các đơn vị bộ binh, tôi ra lệnh cho pháo binh và trao nhiệm vụ mới cho 308.
Tôi gọi điện cho pháo binh: Tình hình địch đã thay đổi. Quyết tâm tiêu diệt Trần Đình (bí danh của Điện Biên Phủ trong chiến dịch) vẫn giữ vững. Nay thay đổi cách đánh. Vì vậy, ra lệnh cho các đồng chí từ 17 giờ hôm nay, kéo pháo ra khỏi trận địa, lui về địa điểm tập kết, chuẩn bị lại. Triệt để chấp hành mệnh lệnh! Không giải thích.
Đầu dây đằng kia, tiếng đồng chí Phạm Ngọc Mậu - Chính ủy pháo binh, đáp: Rõ! Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh.
14 giờ 30 mới có liên lạc điện thoại với anh Vương Thừa Vũ - Tư lệnh Đại đoàn 308: Chú ý nhận lệnh: tình hình thay đổi. Đại đoàn các đồng chí có nhiệm vụ hướng về Luông Pha Băng tiến quân. Dọc đường, gặp địch tùy điều kiện cụ thể mà tiêu diệt. Giữ vững lực lượng, có lệnh trở về ngay. Giữ liên lạc với vô tuyến điện. Khi được hỏi, mới trả lời.
- Rõ - anh Vũ đáp.
- Triệt để chấp hành mệnh lệnh.
- Xin chỉ thị về sử dụng binh lực như thế nào?
- Toàn quyền quyết định, từ một tiểu đoàn đến toàn đại đoàn. Hậu cần tự giải quyết. Đúng 4 giờ chiều nay xuất phát!
- Xin triệt để chấp hành mệnh lệnh.
Đồng thời, tôi chỉ thị cho một bộ phận nhỏ mang theo một đài vô tuyến điện, đi về phía Mộc Châu, mỗi ngày ba lần đánh điện báo cáo: “Đại đoàn 308 đã về tới…”. Điện mật, xen đôi tiếng không dùng mật mã. Vì có những bức điện này, lúc đầu, địch tưởng 308 đã quay về đồng bằng.
Tình hình lúc này không cho phép dùng điện đài báo cáo về Trung ương, ngay tối hôm đó, tôi viết thư hỏa tốc đề nghị với Bộ Chính trị và Bác cho chuyển sang phương châm “Đánh chắc tiến chắc”, quyết giành thắng lợi, nhưng chiến dịch sẽ phải kéo dài, cần khắc phục những khó khăn lớn về hậu cần. Đồng chí Nguyễn Công Dinh - cán bộ tác chiến, được lệnh dùng một chiếc xe Jeep của cơ quan tham mưu, mang thư đi gấp suốt ngày đêm về đến khu căn cứ.
Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình…”.
V.N.G