Đại tướng Nguyễn Quyết: Trọn đời theo Đảng, vì dân
Đại tướng Nguyễn Quyết.
Thật hạnh phúc cho một người lính như tôi được sống và làm việc bên cạnh Đại tướng Nguyễn Quyết 44 năm qua. Hôm nay, trong tâm trạng bồi hồi và thương tiếc người Thủ trưởng, người Ông, người Cha của mình đã ra đi mãi mãi, tôi ngẫm kỹ, nghĩ sâu, vô cùng kính trọng một vị tướng văn võ song toàn, đức độ, tài năng. Cống hiến cho cách mạng vô cùng lớn lao, nhưng cuộc sống của ông vô cùng bình dị, thanh liêm; xứng đáng là người học trò xuất sắc của Bác Hồ. Cả cuộc đời ông cống hiến, hy sinh vì lợi ích của nhân dân, của cách mạng, luôn luôn lắng nghe dân và học tập dân, mục tiêu tối thượng là nhân dân.
Cả cuộc đời tham gia cách mạng, dù ở cương vị nào, vùng miền nào ông đặt chân đến đều để lại dấu ấn không phai mờ. Nổi bật vào thời kỳ đầu tham gia cách mạng là xây dựng cơ sở chiến lược thành công ở miền nam Hưng Yên. Rồi trên cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông góp phần quan trọng để Cách mạng Tháng Tám thành công ở Thủ đô không đổ máu. Có được thành công đó là nghị lực, sáng tạo trong thực tiễn của cách mạng, nắm bắt thực tiễn, phân tích rõ địch ta, biến địch thành ta… Ông là một tấm gương phản chiếu sự sáng tạo và tự lực, tự cường.
Tổng Bí thư Trường Chinh nhận xét về ông: “Trong thời cơ lịch sử có một không hai đó, đã xuất hiện những con người thông tuệ được tôi luyện trong môi trường cách mạng, những trái tim và khối óc không chỉ dựa vào lòng yêu nước nồng nàn mà còn có tư chất tuyệt vời, phán đoán sắc sảo và khả năng thắng lợi của cách mạng với sự nhảy cảm thời cuộc đặc biệt. Ban lãnh đạo của Hà Nội khi đó toàn những người trẻ tuổi, dưới 30, mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết mới ở tuổi 23 và kinh qua 6 năm tôi luyện trong đấu tranh cách mạng. Thật là tuyệt vời!”.
Thời kỳ kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, thành công của người đảng viên có ý chí thép như ông là đã cùng Bộ Tư lệnh Mặt trận Khu 3 lãnh đạo quân và dân châu thổ sông Hồng đánh bại “cuộc dạo mát quân sự” của Pháp, chia lửa cùng Điện Biên Phủ.
Hòa bình lâp lại, trên mặt trận xây dựng đất nước, xây dựng Quân đội, rồi tiến hành chiến tranh chống Mỹ xâm lược, ông đã có những quyết sách sáng tạo, táo bạo, vừa tổ chức chiến tranh nhân dân trên địa bàn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện cho miền Nam. Khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” của người dân châu thổ sông Hồng đã trở thành mệnh lệnh trái tim của quân và dân miền Bắc.
Bước vào thời kỳ đất nước độc lập, thống nhất, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, trên cương vị Chính ủy, rồi Tư lệnh Quân khu 3, ông và Bộ Tư lệnh Quân khu khẳng định: “Quân khu 3 vừa ra tiền tuyến vừa là hậu phương, sản xuất giỏi, sẵn sàng đánh giặc giỏi”. Ông và Bộ Tư lênh Quân khu 3 thời đó, nổi tiếng với phong trào “Làm giàu, đánh thắng”. “Vươn ra Biển Đông làm giàu, đánh thắng” là một điểm nhấn để đất nước đổi mới. Ông nói: “Không có quần chúng kém chỉ có lãnh đạo kém”. Ông lặn lội với thực tiễn, sáng tạo thực tiễn tìm ra những điều còn tiềm tàng của quân đội và đất nước, để chỉ đạo và lãnh đạo thành công. Ông là người không sợ hy sinh, dám nghĩ, dám làm, dám vì việc chung. Ông lên rừng, xuống biển, lên chốt ở Mặt trận Vị Xuyên, ông đi Mặt trận Campuchia, sang Lào…; đến đâu đều được bạn bè và nhân dân khâm phục bởi tính kỷ luật, tự giác, dám xông vào chỗ nguy hiểm nhất. Điển hình là lên chốt ở Vị Xuyên, pháo đối phương bắn ầm ầm, ông quả quyết: “Cứ đi, địch bắn chưa chắc đã trúng, trúng chưa chắc đã chết”…
Tại Hội nghị các Đảng Cộng sản tại Cuba năm 1989, trước những biểu hiện biến chất, nguy cơ sụp đổ của một số Đảng Cộng sản trên thế giới, với cương vị Trưởng đoàn đại biểu của Đảng ta, ông khẳng định: Phải nêu vấn đề chuyên chính vô sản, vẫn phải tăng cường sức mạnh của chuyên chính vô sản. Ông nhấn mạnh: Phải rèn luyện cán bộ, đảng viên từ đảng viên thường đến đảng viên chiến lược ở cả ba cấp lãnh đạo; kiên quyết loại ra khỏi Đảng những đảng viên thoái hóa biến chất. Đây là những yếu tố quan trọng quyết định cho sự thành bại của cách mạng. Sau Hội nghị, Chủ tịch Phidel Castro đánh giá cao bài phát biểu của Trưởng đoàn đại biểu Đảng ta.
Sóng gió, bão giông nổi lên ở Trường Sa, ông nói: “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”. Với ý nguyện là học tập và sáng tạo kinh nghiệm của ông cha ta, ông đã thành công trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự; trong xây dưng, chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. Với tinh thần nỗ lực, ý chí tự lực, tự cường, giám nghĩ, dám làm, ông đã làm tròn người đảng viên cách mạng, vị tướng tài năng và đức độ. Ông thấu hiểu cái khó của dân, ông chăm lo cho dân, cho quân; thực hiện chế độ, chính sách đối với người lính, người lao động..., với mong muốn cô quét rác cũng có nhà ở đàng hoàng; các cấp, các ngành, trên dưới cùng lo, mọi nhà, mọi người đều được hạnh phúc.
Những mốc son trong cuộc đời họat động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Quyết đã được dân tin, dân yêu, quân đội kính trọng. Ông được quân - dân phong tặng là “Ông quan vạn đại”, “Ông vua cơ sở”, “Ông tướng chính sách”… Đại tướng Ngô Xuân Lịch trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã tặng ông nhân dịp 80 năm tuổi Đảng 6 chữ: Trí - Dũng - Liêm - Trung - Nhân - Tín.
Hôm nay, vị Đại tướng đáng kính đã về với “thế giới người hiền”, nhưng những gì ông đã làm và cống hiến trí tuệ, tài năng cho đất nước, nhân dân và Quân đội còn mãi với thời gian.
Trong cuộc sống đời thường, ông vô cùng giản dị, chân tình, hết lòng thương yêu đồng chí, người dân. Dù tuổi cao, bệnh nặng nhưng ngay cả những ngày trên giường bệnh, ông vẫn sáng tạo và viết, để lại cho thế hệ hôm nay những tác phẩm có giá trị về chính trị, quân sự, lịch sử… Dù trên giường bệnh, ông vẫn viết về những vấn đề ông tâm đắc, những vấn đề đầy tính nhân văn của cuộc đời ông; về cái đúng, cái hay để con cháu học tập, phát huy; cái dở, cái sai để tránh…
Xin có đôi dòng mộc mạc, không nói được gì nhiều, thay cho nén hương lòng kính dâng lên Đại tướng - người Thủ trưởng, người Ông, người Cha vô cùng kính yêu trong ngày đất nước để tang ông!
Phạm Xuân Bình - Thư ký Đại tướng Nguyễn Quyết