Ông chưa rời quân ngũ, cũng chưa một lần thăm Hội CCB Việt Nam với tư cách là một tổ chức, lẽ đơn giản ông đã ra đi trước khi Hội CCB Việt Nam được thành lập. Những cán bộ, chiến sĩ dưới quyền chỉ huy của ông năm xưa và cả những cán bộ, chiến sĩ cùng thời với ông bao gồm cả các vị tướng nổi danh nay phần đông đã rời quân ngũ và đều là lính cựu, song điều rất trùng hợp với nhau đó là, khi nói về ông thì ai cũng đều có những lời nói tốt đẹp: “Ông là Giu-cốp của Việt Nam”, “Ông là một nhà quân sự tài ba”, “Ông là một dũng tướng”… Còn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người chỉ huy trực tiếp của ông, người gắn bó và chỉ đạo ông trong từng chiến dịch, từng trận đánh lớn và trong xây dựng quân đội đã nói về ông “Đại tướng Lê Trọng Tấn người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết”.
Đại tướng Lê Trọng Tấn tên khai sinh là Lê Trọng Tố mang bí danh Ba Long; ông sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Yên Nghĩa, Hà Đông, nay thuộc về Hà Nội.
Cụ thân sinh ra ông là một nhà nho yêu nước, người có chí lớn, đã từng tham gia phong trào Đông kinh Nghĩa Thục. Tuy mới 7 tuổi, Lê Trọng Tố đã mồ côi cha, nhưng kế thừa được nguồn cội gia đình, ông đã sớm bộc lộ tư chất thông minh đĩnh đạc. Một số cụ bô lão làng quê ông nói: Ông ấy có tướng làm quan...
Những cán bộ, chiến sĩ cùng thời và nhất là những người may mắn dưới quyền chỉ huy trực tiếp của ông, đều quý ông, tôn trọng ông, học tập gương ông. Họ quý ông, tôn trọng ông không phải vì ông cho họ cái gì. Điều mà nhiều người nói đến đó là những đức tính, những tố chất chính trị-quân sự ở ông, chính là ý thức chấp hành mệnh lệnh, không nề hà khi được Đảng, quân đội, nhân dân giao phó, yêu cầu.
Nhìn lại những bước đi trong đời quân ngũ của ông, ta vừa thấy sự phát triển không tuần tự lại vừa có những đột biến rất đáng để các nhà nghiên cứu lịch sử quân sự quan tâm. Khi còn rất trẻ ông đã được trên tin cậy đưa vào Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, phụ trách về quân sự, rồi được bổ nhiệm thẳng lên chỉ huy tiểu đoàn đảm nhiệm đánh phía tây thành Hà Nội. Là một trong những chỉ huy giỏi của Trung đoàn Tây Tiến, một trung đoàn mà tên tuổi sống mãi với thời gian; sự nổi tiếng của Trung đoàn không chỉ vì bài thơ của Quang Dũng mà nó là sự kết tinh của chiến công và thi phẩm của Trung đoàn, của quân đội chúng ta.
Những CCB cùng thời bàn mãi đến những quyết định đặc biệt của cấp trên trao gửi cho ông, kính trọng ông vì tấm gương chấp hành mệnh lệnh của ông, như lúc thì Phó tư lệnh Liên khu rồi lại về chỉ huy trung đoàn. Lúc giữ chức Phó tổng tham mưu trưởng của quân đội lại kiêm Tư lệnh một quân đoàn; lúc làm Phó tư lệnh Chiến dịch lại kiêm Tư lệnh Mặt trận tiến công; lúc đang chỉ huy chiến đấu rồi lại về rèn cán, luyện quân, lúc vừa làm chức trách của một chỉ huy lại kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu quân sự của Học viện Quân sự cấp cao. Ông vừa làm Phó tổng tham mưu trưởng quân đội vừa là một trong những người chỉ huy lực lượng chiến đấu ở Tây Nam Tổ quốc và sau này cả chiến tranh ở biên giới phía Bắc.
Tìm hiểu về cuộc đời ông, tìm hiểu những bước đường ông qua, chúng ta thấy ở ông có những điều đặc biệt. Ông được giao chỉ huy Đại đoàn 312, rồi chỉ huy Quân đoàn I đầu tiên. Hai đơn vị này đều do ông trực tiếp chỉ huy, đều gắn bó với những chiến công hiển hách, những chiến công có ý nghĩa lịch sử, gắn liền với các bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Khi mới 36 tuổi, ông là Đại đoàn trưởng Đại đoàn Chiến thắng (Đại đoàn 312), Đại đoàn gắn với chiến công của chiến thắng Him Lam, với toàn thắng Điện Biên Phủ. Đại đoàn của ông đã góp công bắt sống tướng Đờ Cát-tơ-ri. Khi chỉ huy cánh quân phía Đông đánh vào Sài Gòn tháng 4-1975, ông đã yêu cầu các đơn vị cơ động cao, càn lướt mạnh mẽ các cứ điểm ngáng đường của địch để kịp cùng các hướng tiến vào sào huyệt cuối cùng của quân đội và chính quyền Sài Gòn. Hãy khoan bàn đến tư duy chiến dịch, chiến lược của ông và của Bộ Chỉ huy tối cao trong chiến dịch Hồ Chí Minh mà chúng ta chỉ tìm đến điều đặc biệt lần hai trong đời chỉ huy chiến dịch của ông. Đó là ông lại vinh dự gắn tên mình vào chiến công lịch sử của cách mạng Việt Nam, chiến dịch giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Điều đặc biệt nữa là các đơn vị, các cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền chỉ huy của ông lại góp công bắt sống toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh, buộc tướng Minh phải lên đài tuyên bố đầu hàng, mở ra một chương mới cho cách mạng Việt Nam.
Các CCB cùng thời và cả sau này đều có một điều thống nhất với nhau đó là khi nói về ông, về cuộc đời chiến đấu của ông, người ta lại tìm ra một điều đặc biệt nữa của ông, đó là suốt cả cuộc đời quân ngũ, ông là người chỉ huy có mặt hầu hết ở các mặt trận, các chiến trường nhất là các chiến trường nóng bỏng. Ở đâu, nơi nào khi có mặt ông, nghe tin ông chỉ huy là cấp dưới thấy yên lòng, tin tưởng vào thắng lợi. Đây là cái duyên chiến trận hay là sự thao lược tài ba, sự quyết đoán của một vị chỉ huy. Nếu cho được lựa chọn thì tôi sẽ chọn vế thứ hai và cũng không phải áy náy gì khi trước đó người ta đã gọi ông là “Giu-cốp của Việt Nam”, và khi vào thăm chiến trường Quảng Trị năm 1972, Chủ tịch Cu-ba Phi-đen Cát-xtơ-rô đã hỏi “Đây có phải là tướng đánh trận giỏi nhất ở Việt Nam không?”.
Không chỉ là người chỉ huy tài giỏi, một vị tướng trận mạc có công, Đại tướng Lê Trọng Tấn còn là một trong những người có công lớn trong xây dựng quân đội chúng ta. Đảng và cấp trên rất sáng suốt phát hiện và đưa ông về làm Hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân ngay sau khi miền Bắc vừa hoàn toàn giải phóng. Chính thời gian này đóng góp lớn nhất của ông là đã hình thành nền móng cho quá trình đào tạo sĩ quan theo hướng chính quy. Những kiến thức quân sự, những kinh nghiệm chỉ huy trận mạc của ông được ông truyền bá cho lớp lớp học viên và chính những sĩ quan mà ông có sự đóng góp đào tạo ở những năm 1954-1960 là đội ngũ sĩ quan nòng cốt cho xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, là nòng cốt cho các đơn vị được cử đi chiến đấu, nhiều người đã trở thành sĩ quan chiến đấu giỏi, nhiều tướng lĩnh tài ba.
Cùng với những đóng góp trong đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan trong quân đội, ông còn dành nhiều thời gian nghiên cứu tổng kết, viết bài giới thiệu các kinh nghiệm hay trong tổ chức lực lượng, trong tác chiến chiến dịch, chiến lược, trong huấn luyện chiến thuật và nghệ thuật chiến đấu của bộ đội Việt Nam. Nếu chúng ta có thời gian đọc lại các bài nói và viết của ông mà Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản trong hai năm 2004-2005, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước với tiêu đề: “Đại tướng Lê Trọng Tấn với chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Đại tướng Lê Trọng Tấn với đại thắng mùa xuân năm 1975”, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều điều về tư duy chiến lược quân sự và tầm bao quát, sự điều hành phối hợp trong chỉ huy chiến đấu, chiến trận của ông như: nắm đánh giá về địch, tương quan lực lượng giữa ta và địch; bài học về chọn thời cơ, chuyển hóa thời cơ, về cách đánh, về tổ chức hậu cần, kỹ thuật, về phối hợp tác chiến với quân đội bạn… Chúng ta cũng thấy trong suốt cuộc đời làm chỉ huy của mình, ông đã rút ra nhiều bài học sâu sắc, có một bài học được ông khẳng định là “Muốn có sức mạnh chiến đấu cao phải coi trọng công tác giáo dục chính trị, xây dựng ý chí chiến đấu cao, tinh thần xả thân vì độc lập tự do của từng cán bộ, chiến sĩ”. Sự khẳng định của ông trong đoạn dẫn trên có sáu từ “của từng cán bộ, chiến sĩ” khi nghiên cứu chúng ta cần phải quan tâm. Ông cho rằng xây dựng quyết tâm và ý chí không chỉ dừng lại ở cái chung mà phải đi vào cái cụ thể, đi vào từng con người cụ thể. Chỉ sáu từ này cho thấy ông coi trọng sức mạnh của quần chúng, sức mạnh của từng con người và nếu biết tổng hợp sức mạnh riêng rẽ thì sẽ có sức mạnh to lớn. Qua sáu từ này chúng ta càng thấy ông uyên thâm về lý luận và đưa lý luận Mác - Lê-nin vào cuộc sống một cách nhuần nhuyễn như thế nào.
Tôi nghĩ các sĩ quan, nhất là những sĩ quan trẻ, những sĩ quan chưa trực tiếp tham gia chiến đấu của chúng ta ngày nay nên tìm đọc các tác phẩm của ông. Cùng với tố chất chỉ huy và tài năng chiến trận, ông còn được nhiều CCB nhắc đến, đó là cái tâm, cái đức của một vị chỉ huy. Những hình ảnh của một vị Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng to cao, tướng mạo nhưng lại rất bình dị, rất đời thường khi đến thăm đơn vị. Các chiến sĩ của Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 và nhiều đơn vị khác đều nhớ những cử chỉ đôn hậu, gần gũi, chan hòa cởi mở, thân thiện như một người cha, người anh khi ông đến thăm. Chính sự gần gũi, thân tình của ông đã xóa đi khoảng cách để tạo nên một không khí ấm áp trong đại gia đình quân đội. CCB Trung tướng Phạm Xuân Thệ - nguyên Tư lệnh Quân khu 1, Anh hùng LLVTND, người là nhân chứng lịch sử trong chiến dịch Hồ Chí Minh và trực tiếp tham gia bắt sống nội các của Dương Văn Minh, đã nói rằng: Không chỉ mình tôi mà trước tôi, Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Thiếu tướng Hoàng Đan và nhiều tướng lĩnh khác đều dành những lời nói tốt đẹp, sự kính trọng, khâm phục đối với Đại tướng Lê Trọng Tấn. Có thể nói ông là người hội tụ đủ phẩm chất “trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với người làm tướng.
CCB Việt Nam tự hào về một thời đã qua, tự hào về những vị chỉ huy tài giỏi lỗi lạc về quân sự của Đảng, của nhân dân và của QĐND Việt Nam và Đại tướng Lê Trọng Tấn là một vị chỉ huy như vậy.
**Trung tướng Phùng Khắc Đăng Phó chủ tịch Hội CCB Việt Nam **