Đại tướng Lê Trọng Tấn - nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam

Đại tướng Lê Trọng Tấn (tên khai sinh là Lê Trọng Tố) sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước tại xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1944, đồng chí tham gia Mặt trận Việt Minh. Tháng 8-1945, đồng chí được cử làm Ủy viên phụ trách quân sự trong Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đồng chí Lê Trọng Tấn lần lượt giữ các chức vụ Trung đoàn phó, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La (Trung đoàn 141); Quyền Khu trưởng Khu 14, Khu phó Liên khu 10, Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Trung đoàn 209, Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 312. Đồng chí chỉ huy đơn vị tham gia các chiến dịch và làm nên các chiến thắng Sông Thao (1949), Biên giới (1950), Trung du (1951), Hòa Bình và Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953)... Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng chí chỉ huy Đại đoàn 312 tiêu diệt cứ điểm Him Lam; trong đợt tiến công cuối cùng vào sào huyệt địch, bắt sống tướng Đờ-Cát và Bộ chỉ huy của Pháp.
Kết thúc cuộc kháng chiến 9 năm, đồng chí được Hồ Chủ tịch bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quân Lục quân Việt Nam (nay là Trường sĩ quan Lục quân 1). Năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta bước vào thời kỳ quyết liệt. Từ cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng, đồng chí vào chiến trường miền Nam làm Phó tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam. Đồng chí đã xây dựng và phát triển thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng những "quả đấm chủ lực mạnh" có khả năng tiêu diệt lớn và làm thay đổi cục diện chiến trường. Đặc biệt là xây dựng kế hoạch chiến lược giải phóng hoàn toàn miền Nam. Đất nước thống nhất, với các cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng kiêm Giám đốc Học viện Quốc phòng, rồi Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đồng chí có nhiều chủ trương, giải pháp về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Năm 1978 đồng chí giữ chức Tư lệnh Mặt trận Tây Nam, chỉ huy các lực lượng vũ trang chiến đấubảo vệ biên giới, rồi chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam đánh đổ quân Khơ me đỏ, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Năm 1984, khi đã 70 tuổi, Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn chỉ huy chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc và mất ngày 5-12-1986.
Hội thảo khoa học "Đại tướng Lê Trọng Tấn – nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam" là hội thảo đầu tiên đối với Đại tướng; gồm 66 bài tham luận; trong đó có một số bài của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội, 53 bài nghiên cứu, 9 bài của các nhân chứng lịch sử; được chia làm 3 chủ đề chính là: Những vấn đề chung; Nhà quân sự mưu lược (đánh giá tài năng quân sự của Đại tướng) và vị tướng đức độ, thủy chung. Các tham luận đều bám sát nội dung, đề cập đa dạng các hoạt động; đặc biệt là những quan điểm, tư tưởng quân sự của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Hội thảo tổ chức vào ngày 23-9-2014. tại Hà Nội, nhằm tiếp tục nghiên cứu, khẳng định và làm sáng tỏ thêm quá trình giác ngộ, học tập, tham gia hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Trọng Tấn.
Bài và ảnh: An Hà