Đại tướng Lê Đức Anh qua hồi ức của các Tướng lĩnh
Đồng chí Lê Đức Anh - Tư lệnh Quân khu 9 thăm và động viên các chiến sĩ Tiểu đoàn tăng - thiết giáp, Quân khu 9, tháng 5-1976.
Với nhiều Tướng lĩnh Quân đội, Đại tướng Lê Đức Anh - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là một vị Tướng tài ba, bản lĩnh, có tầm nhìn sâu rộng… Đại tướng trưởng thành từ thực tiễn chiến đấu trên nhiều chiến trường; đảm trách nhiều chức vụ trong Quân đội - cao nhất là Bộ trưởng, nên các Tướng lĩnh có nhiều kỷ niệm cùng chiến đấu và công tác với ông.
Trung tướng Nguyễn Đệ (Ba Trung) - nguyên Tư lệnh Quân khu 9 kể lại: Sau Khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Mỹ - ngụy công khai vi phạm Hiệp định, tiến công ta, buộc Quân khu 9, trực tiếp do đồng chí Lê Đức Anh - Tư lệnh và đồng chí Võ Văn Kiệt - Bí thư Khu ủy chỉ huy đã chủ động tiến công địch. Cũng vì vậy, có lãnh đạo cấp trên phê bình Quân khu 9 là “máu đánh đấm”.
Tháng 7-1973, Phó Tư lệnh Quân khu 9 Ba Trung lên Bộ Tư lệnh Miền dự hội nghị bàn về thực hiện Hiệp định Pa-ri. Tại hội nghị đó, có phái viên T.Ư vào phê phán: “Quân khu 9 đánh địch miết từ chín, mười năm trời nay rồi, chưa ngán hay sao mà còn ham đánh giữ vậy?”. Nghe trên phán vậy, ông Ba Trung rất đau lòng. Ông kể: “Có thời kỳ anh Lê Đức Anh cùng tôi lội bộ dưới kênh vào sát đồn địch để nghiên cứu cách đánh sao cho nhanh, gọn, hiệu quả… Có vào sống ra chết trên chiến trường, mới khẳng định ta không thể ảo tưởng vào kẻ thù!”.
Khi trở về Quân khu, đại diện Quân ủy Miền còn đưa cho ông Ba Trung một cuốn băng ghi âm Hội nghị binh vận và dặn “Quân khu 9 nghe, nghiên cứu chấp hành…”. Phó Tư lệnh Quân khu Ba Trung kể lại: “Sau khi nghe cuốn băng đó, anh Lê Đức Anh và anh Võ Văn Kiệt phê bình nội dung cuốn băng hữu khuynh. Nếu thi hành thì để tự do cho địch lấn tới, ta không còn dân, không có đất mà ở. Quân khu 9 không thể thi hành… Anh Lê Đức Anh còn phê bình tôi: “Ba Trung lên Miền gởi cuốn băng về binh vận mình đây!”. (trích “Niềm tin và Lẽ sống” - hồi ký của Trung tướng Nguyễn Đệ).
Đại tướng Phạm Văn Trà - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng có thời gian dài cùng chiến đấu với Đại tướng Lê Đức Anh trên chiến trường Tây Nam Bộ. Trong cuốn hồi ký “Đời Chiến sĩ”, Tướng Trà đã kể lại rất nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Kỷ niệm thứ nhất: những năm 1971-1972, Tư lệnh Quân khu Lê Đức Anh và Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt bí mật từ U Minh lên bám Trung đoàn 1 (đồng chí Phạm Văn Trà làm Trung đoàn trưởng) ở bên bờ sông Nước Trong (Hậu Giang). Tại đây, hai lần Tư lệnh Lê Đức Anh gặp nguy hiểm.
Một lần, địch phát hiện hầm của đồng chí Lê Đức Anh và cho trực thăng sà xuống thả bộc phá. Nhưng đồng chí Lo - bảo vệ của Tư lệnh đã nhanh tay hơn, dùng AK nhằm chiếc trực thăng nhả đạn làm nó hốt hoảng bỏ vội bộc phá, nên không trúng hầm. Nếu không thì hầm Tư lệnh đã hứng trọn khối bộc phá đó.
Lần khác, vào một đêm Trung đoàn trưởng Phạm Văn Trà đi thuyền đón Tư lệnh Lê Đức Anh ở kênh Xáng Cụt (tuyến ngăn vùng địch và căn cứ U Minh) thì đụng thuyền địch. Ông Trà kể lại: “Thuyền đang đi trong đêm tĩnh mịch, bất ngờ chúng tôi gặp một chiếc xuồng của địch. Chúng tôi cho rằng có thể mấy tên lính đó trốn đơn vị đi uống rượu hoặc đi kiếm gái, nên xuồng chúng đi cũng rất im ắng, kín đáo. Phát hiện thấy xuồng của chúng tôi, thoạt tiên, chúng nghĩ là thuyền chỉ huy của chúng đi tuần thám, kiểm tra. Vì vậy, chúng lẹ làng cho xuồng dạt sang bên, náu vào khóm dừa nước. Tới xáp nhau, địch phát hiện ra chúng tôi là Việt cộng và nổ súng trước. Nhưng vì bất ngờ, “thần hồn nát thần tính”, quá luống cuống, nên bắn trượt. Chúng tôi cho thuyền lướt đi. Tư lệnh và anh em chúng tôi thoát hiểm…”.
Kỷ niệm thứ hai: Vào năm 1978, khi là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 330, chỉ huy đơn vị đánh quân Pôn-pốt ở núi Phú Cường - Ba Chúc, Tịnh Biên, An Giang, ông Trà đề xuất cách đánh khác chỉ đạo của Tư lệnh quân khu Lê Đức Anh. Cứ tưởng Tư lệnh không đồng ý; nhưng không, ông đã nghe cấp dưới. Ông Trà kể lại: “Lúc đầu, chưa tin tưởng phương án của chúng tôi, anh Sáu Nam (Lê Đức Anh) lệnh xuống: Không chắc thắng thì không đánh… Nhưng rồi sau đó anh Sáu gọi điện xuống đồng ý cho đánh theo phương án của Bộ Tư lệnh sư đoàn…”. Kết quả trong trận núi Phú Cường, chỉ với một trung đoàn tiến công trực diện, Sư đoàn 330 đã hất toàn bộ sư đoàn địch sang bên kia kênh Vĩnh Tế; được Tư lệnh Lê Đức Anh khen ngợi.
Nguyễn Duy