Đại tá về hưu… kêu oan
Theo đơn của Đại tá Nguyễn Thọ Chư, cán bộ tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm khi xét xử, thụ lý vụ án có nhiều tình tiết vô lý, khuất tất. Cụ thể, nguyên đơn là bà Trần Đình Như Ý (SN 1976, P.Chánh Nghĩa, T.P Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) trình bày với Tòa án: bà sang nhượng khu đất 836,4m2 tại đường Nguyễn Tri Phương, P.Chánh Nghĩa, được UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số 299 ngày 20-10-1994, liền ranh đất ông Nguyễn Thọ Chư. Năm 2009, đường Nguyễn Tri Phương được mở rộng, phần đất trên bị giải tỏa 105,2m2, còn lại 731,2m2. Đến tháng 3-2010, ông Chư xây dựng hàng rào lưới B40, bà phát hiện đất của mình bị lấn chiếm, đo thực tế 157,4m2 nên yêu cầu ông Chư trả lại.
Nhưng thực tế, Giấy CNQSDĐ số 299 không thể hiện số thửa, số tờ bản đồ nào. Càng lạ hơn, người đứng tên chủ quyền là “ông” Trần Đình Như Ý - không phải “bà” Trần Đình Như Ý như khởi kiện? Mãi đến ngày 7-9-2009, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường T.P Thủ Dầu Một Lê Thị Thanh Loan mới ký đính chính “giới tính”, sửa “ông” thành “bà” Trần Đình Như Ý, đồng thời “bổ sung” thêm số chứng minh thư của bà Ý (do Công an tỉnh Bình Dương cấp ngày 12-7-2007) và giấy CNQSDĐ.
Điều đáng nói, chỉ là Trưởng phòng nhưng bà Loan dám vượt mặt ký “đính chính” giấy CNQSDĐ của UBND tỉnh cấp (?!).
Quá trình xét xử, cấp tòa sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đã bị cấp tòa phúc thẩm chỉ rõ. Cụ thể, tại thời điểm cấp giấy CNQSDĐ số 299, con đường nông thôn tiếp giáp đất bà Ý rộng chỉ có 1,5m, hiện nay là 4,35m, tòa cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc mở đường có ảnh hưởng đến đất của bà Ý hay không, nếu có diện tích là bao nhiêu.
Một chi tiết khá rõ nữa là, năm 1994, UBND tỉnh Sông Bé (nay là Tỉnh Bình Dương) cấp cho bà Trần Đình Như Ý 720,38m2 đất để sản xuất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất là 20 năm.
Năm 2002, thửa đất ông Chư đang bị tranh chấp nhận chuyển nhượng lại của bà Trần Thị Ở theo GCNQSDĐ số 00050/QSDĐ/H do UBND TX Thủ Dầu Một cấp. Trước đó, bản đồ địa chính năm 1999, khu đất gia đình ông mua được xác lập đo vẽ diện tích 1.158,5m2, thuộc thửa đất số 53, tờ bản đồ 63.
Ông Chư cũng cho rằng, trong sơ đồ cấp GCNQSDĐ cho bà Ý, các cạnh hướng Nam và hướng Đông đều giáp đất nhà ông. Ngày 5-3-2002, khi tiến hành đổi sổ cho gia đình ông, cán bộ địa chính UBND phường Chánh Nghĩa và Phòng NNPTNT thị xã Thủ Dầu Một xác định phía Bắc và hướng Đông còn đất chưa được cấp sổ. Dù vậy, khi Tòa án cấp sơ thẩm đi thẩm định tại chỗ thì cạnh hướng Bắc và hướng Đông hiện tại không còn đất giáp với nhà ông Chư. Chính vì điều mâu thuẫn này chưa được tòa án làm rõ, song lại kết luận ông Chư lấn 157,4m2 đất của bà Ý, buộc gia đình ông phải trả đất và tháo dỡ các công trình đã xây dựng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của gia đình ông.
Trong đơn ông Chư viết: những tình tiết không được làm rõ nêu trên khiến cho vụ án khi đưa ra xét xử sẽ là không khách quan. Thậm chí có dấu hiệu khuất tất, thờ ơ, vô cảm khi Tòa phúc thẩm cũng bỏ qua chi tiết này.
Vẫn theo phản ánh của ông Chư, giấy CNQSDĐ số 299, nếu cấp sai thì phải thu hồi cấp lại theo đúng quy định pháp luật. Còn việc thay đổi liên quan đến “giới tính” thì thẩm quyền thuộc ngành tư pháp. Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường TP.Thủ Dầu Một sốt sắng “làm thay” cho Sở Tư pháp và UBND tỉnh Bình Dương, ký đính chính “giới tính” và “bổ sung” thêm vào giấy CNQSDĐ là trái pháp luật. Vậy nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại dễ dàng chấp nhận việc biến “ông” thành “bà”! Còn nữa, theo đơn phản ánh của ông Chư, hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ của bà Ý không có trong kho lưu trữ của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương, nhưng chi tiết này cũng không được làm rõ.
Ngoài vấn đề phản ánh thẩm phán không khách quan khi xét xử, hồ sơ đất đai không rõ ràng ông Chư cho rằng quá trình xét xử còn đưa những người làm chứng không khách quan tham gia tố tụng. Vì vậy, ông Chư kiến nghị Tòa án cấp cao cần xem xét, hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại từ đầu vụ án...
Ban Bạn đọc