Tham dự lễ diễu binh, diễu hành có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, các nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Trần Đức Lương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An… cùng nhiều đại biểu và các vị khách quốc tế. Tham dự đại lễ còn có hơn 4 vạn cán bộ, chiến sĩ và các khối đại diện cho các tầng lớp nhân dân trong cả nước.

Mở màn lễ diễu binh, diễu hành là nghi lễ rước đuốc từ Bảo tàng Hồ Chí Minh về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngọn lửa truyền thống được Đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Bình thắp lên đài lửa. Hòa trong tiếng Quốc ca hào hùng do Đoàn quân nhạc cử hành là 21 phát đại bác chào mừng Đại lễ.

Trong diễn văn tại lễ mít tinh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, cách đây tròn 1.000 năm với tầm nhìn chiến lược, vua Lý Thái tổ đã dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, mở ra thời kỳ phát triển mới của Đại Việt. Trải qua nhiều thế kỷ, đến thời đại Hồ Chí Minh Thăng Long - Hà Nội vẫn khí phách hiên ngang để hôm nay cả dân tộc trùng phùng.

Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam là một dân tộc anh hùng và Hà Nội là thủ đô anh hùng của dân tộc anh hùng. Nhân dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình, công lý nhưng không bao giờ khuất phục trước cường quyền, bạo lực.

Sau diễn văn của Chủ tịch nước, bài hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” được 1000 ca sĩ đến từ các đơn vị, các trường nghệ thuật trình diễn vang lên thật sôi động.

Lễ diễu binh bắt đầu với sự trình diễn của 10 máy bay trực thăng mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc và khẩu hiệu mang dòng chữ “kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội”. Trong số các máy bay này, có những chiếc vừa tham gia cứu trợ đồng bào miền Trung cũng kịp trở về, tham gia vào đội hình chào mừng Đại lễ.

Phía dưới mặt đất, khối nghi trượng bắt đầu tiến vào lễ đài, đi đầu là xe mang biểu tượng quốc huy, xe mang ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và khối mang cờ Đảng, cờ Tổ quốc...

Lực lượng diễu binh gồm 15 khối với sự tham gia của 12.000 người , đại diện các lực lượng quân đội gồm hải quân, lục quân, không quân, lực lượng đặc công... Đại diện lực lượng công an là các khối cảnh sát biển, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động... và các khối dân quân tự vệ nam, nữ.

Phần diễu hành có 17 khối tham gia, bắt đầu bằng khối Hà Nội với xe rước rồng thời Lý, xe rước biểu trưng Hà Nội, xe rước bằng UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới… Tiếp phần diễu hành của Thủ đô Hà Nội là diễu hành của khối Cựu Chiến binh. Lực lượng này khi hoàn thành nhiệm vụ trở về sau các cuộc chiến tranh đã đem sức lực và trí tuệ của mình tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân. Thời gian qua, nhiều Cựu chiến binh đã trở thành những nhà quản lý giỏi, nhà khoa học xuất sắc. Đã có 20 cựu chiến binh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới….

Cuối cùng là khối nghệ thuật biểu diễn chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội thuộc ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch, với các xe biểu tượng, trang phục đặc sắc bước vào Lễ đài. Chương trình nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc do khối trình diễn do hàng ngàn nghệ sỹ, diễn viên tham gia với màn múa cờ, rồng, trống hội... đặc sắc và phong phú.

9 giờ 5 phút, 1.000 em thiếu nhi thả bóng bay và chim bồ câu lên bầu trời.

9h15 phút, lễ diễu binh, diễu hành kết thúc

Mai Anh