Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX: Kỷ cương - Trách nhiệm Đoàn kết Phát triển

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tặng Huân chương Lao động hạng Hai và hạng Ba cho các tập thể và cá nhân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong 2 ngày 28 và 29-11, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) được tổ chức tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô, Thủ đô Hà Nội.

Đại hội IX với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu gồm chức sắc Hội đồng Chứng minh; chức sắc, thành viên Hội đồng Trị sự GHPGVN; đại biểu các Ban, Viện trực thuộc T.Ư Giáo hội; Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố trong cả nước; đại biểu tăng ni, Phật tử thuộc các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài.

Đây là sự kiện quan trọng, được tiến hành theo Hiến chương GHPGVN, nhằm tổng kết, đánh giá thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), đồng thời hoạch định phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo.

Kế thừa thành tựu Phật sự của nhiệm kỳ VIII, Đại hội lần thứ IX lựa chọn chủ đề là “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển”. Đại hội tập trung thảo luận và quyết tâm thống nhất ý chí và hành động của toàn thể tăng, ni Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước, thực hiện thành công 12 mục tiêu, chương trình tổng quát đề ra. Thông qua đó, T.Ư GHPGVN khẳng định quyết tâm trang nghiêm, phát triển Giáo hội; tiếp tục khẳng định vai trò và đóng góp của Phật giáo trong đời sống xã hội; cùng đồng bào, nhân dân cả nước phấn đấu cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Trong nhiệm kỳ VIII, mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng công tác Phật sự đã được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, đạt được những mục tiêu, kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ. Giáo hội đã tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam, với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 112 quốc gia, vùng lãnh thổ, đây cũng là lần thứ 3 Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam. Tổ chức trang nghiêm, trọng thể Đại lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Giáo hội (7.11.1981 - 7.11.2021) theo hình thức trực tuyến với chủ đề: “40 năm GHPGVN: Hội nhập và phát triển cùng đất nước”. Chỉ đạo tổ chức Đại hội Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra thành công ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trước khi diễn ra Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX.

Hoạt động quốc tế của Giáo hội trong nhiệm kỳ VIII tập trung vào các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế, như ủng hộ chính phủ và nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka tiền và vật tư y tế giúp đỡ trong phòng, chống dịch Covid-19 trị giá hàng triệu USD, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Giáo hội tích cực góp phần chăm lo đời sống tín ngưỡng, tinh thần cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trong nhiệm kỳ VIII, Giáo hội đã thành lập Ban Điều phối GHPGVN tại Lào, nâng số Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài là 22; thiết lập mối liên lạc thường xuyên, hướng dẫn tăng, ni, Phật tử Việt Nam ở 35 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Các Hội Phật tử, Trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam ở nước ngoài là trung tâm đoàn kết, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, nơi giao lưu, chia sẻ hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau của cộng đồng, giới thiệu quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức duy nhất đại diện cho Phật giáo Việt Nam, được thành lập vào năm 1981, đến nay đã qua hơn 40 năm hoạt động với những thành tựu nổi bật được đúc kết sau 8 nhiệm kỳ. Đây là sự tiếp nối mạng mạch Phật pháp từ xưa đến nay, trên tinh thần trang nghiêm Giáo hội chính là trang nghiêm về giới luật tự thân của mỗi thành viên; về mặt tổ chức là thực thi tu đạo, hành đạo theo Hiến chương của Giáo hội và tuân thủ Hiến pháp nước nhà.

Đại hội biểu quyết thông quaDự thảo “Tu chỉnh Hiến chương” GHPGVN gồm 14 chương, 86 điều, nhiều hơn Hiến chương GHPGVN hiện hành 1 chương, 15 điều; giới thiệu, cung thỉnh 112 vị trưởng lão vào Hội đồng Chứng minh; giới thiệu 235 vị tôn đức, tăng ni, cư sĩ có uy tín, khả năng và đạo lực vào Hội đồng Trị sự để tham gia lãnh đạo, điều hành Giáo hội.

Một số nội dung chính được nêu trong Hiến chương là việc sửa đổi, bổ sung quy định về hệ thống tổ chức GHPGVN; kiện toàn tổ chức và cụ thể hóa vai trò lãnh đạo tối cao của Hội đồng Chứng minh; bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự và Ban Trị sự cấp tỉnh trong việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể tổ chức tôn giáo trực thuộc; bổ sung quy định về thẩm quyền của Hội đồng Trị sự trong việc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc; Quy định rõ tài sản của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc và của thành viên GHPGVN; Quy định về việc thành lập Ban khen thưởng - kỷ luật ở cấp T.Ư và cấp tỉnh, thành phố. Quy định mức khen thưởng tuyên dương công đức cao bằng biểu tượng là “Tuyên dương công đức Phật Hoàng Trúc Lâm”.

Đặc biệt, nhằm nêu cao kỷ cương, giới luật để gìn giữ và tiếp tục đề cao giá trị Phật giáo trong xã hội hiện đại. Trong  Dự thảo “Tu chỉnh Hiến chương” quy định xác định tài sản chung và tài sản cá nhân nhà tu hành, cũng như quy định rõ hơn về việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa, không cấp cho nhà tu hành…

Đại hội đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ IX nhiệm kỳ 2022-2027 đã suy tôn Đức Trưởng lão Hòa Thượng Thích Trí Quảng, Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam lên ngôi vị Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; tiếp tục suy cử Hòa thượng Thích Thiện Nhơn giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Hoàng Linh