Đại hội đã: 1- Đánh giá kết quả công tác nhiệm kỳ qua (từ Đại hội XXVII, tháng 9-2012 đến nay); 2- Kết nạp 6 tổ chức hội viên mới của 6 nước; 3- Thông qua 37 dự thảo nghị quyết do các hội thành viên đề xuất; 4- Trao tặng danh hiệu “Phục hồi chức năng” cho 7 tổ chức và cá nhân; 5- Tiến hành Năm kỷ niệm: 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới lần thứ II; 70 năm ký kết Hiến chương Liên Hợp quốc và 65 năm thành lập WVF; 6- Thông qua ngân sách thu chi 3 năm qua và bàn mức niên liễm, tăng nguồn thu 3 năm tới; 7- Sửa đổi Điều lệ, Quy chế Liên đoàn; 8- Bầu ban lãnh đạo mới.
Hoạt động của Liên đoàn nhiệm kỳ qua, phương hướng nhiệm kỳ tới và các nghị quyết được thông qua tại Đại hội nhìn chung đã tập trung vào việc tăng cường đoàn kết quốc tế chống các nguy cơ: chiến tranh, xung đột, sự trở lại của chủ nghĩa phát xít mới, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đe dọa an ninh, an toàn xã hội, khủng bố, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và những đe dọa an ninh phi truyền thống khác; thúc đẩy hoạt động tăng cường vị thế Liên đoàn và các hội thành viên trước công luận, trước các tổ chức quốc tế, khu vực và với từng quốc gia thông qua việc nâng cao hiệu quả hoạt động xã hội và đẩy mạnh quảng bá hình ảnh của mỗi thành viên và của cả Liên đoàn; phấn đấu nâng cao mức sống CCB; tăng cường hợp tác giữa các hội thành viên trên các lĩnh vực trao đổi chuyến thăm, trao đổi kinh nghiệm tổ chức xây dựng hội và chăm sóc hội viên; mở rộng việc kết nạp thành viên mới (hoặc hợp nhất Hội CCB và Cựu quân nhân) để khắc phục sự già hóa của các hội CCB chiến tranh; tăng cường giáo dục thế hệ trẻ nâng cao năng lực, nâng cao ý thức trách nhiệm trước cộng đồng, quốc gia và dân tộc.
Đại hội đã bầu Ban lãnh đạo mới do ông Dan-Viggo Bergtun (người Na-uy, nguyên Phó chủ tịch) làm Chủ tịch mới của Liên đoàn. Thành phần Ban lãnh đạo mới gồm đại diện của các châu lục và là những người đã nêu cao trách nhiệm, tích cực tuyên truyền vận động cho chương trình hành động của mình trước Đại hội.
Đáng chú ý trong Đại hội này, phần liên quan đến Việt Nam, báo cáo của Tổng Thư ký viết: 40 năm sau chiến tranh, Việt Nam vẫn đang gánh chịu hậu quả lâu dài của chất độc da cam/đi-ô-xin. Gần 600.000 CCB Việt Nam bị ảnh hưởng. Hội CCB Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình, sáng kiến để khắc phục… nhưng hậu quả còn rất nặng nề. Liên đoàn CCB thế giới WVF đề nghị lập một dự án gây quỹ đặc biệt để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin ở Việt Nam… Điều này cũng nhằm thực hiện nghị quyết WVF tại Đại hội lần thứ XXV, Kuala Lumpur tháng 12-2006. Một phần của dự án này ước tính cần tới 50.000 EURO, sự tài trợ của V-Fonds (Hà Lan) là rất cần thiết.
Đại hội cũng đã nhất trí thông qua Báo cáo của Tổng thư ký Liên đoàn về hoạt động của SCAP (Ủy ban Thường trực CCB khu vực châu Á Thái Bình dương) và Hội nghị SCAP 21 tháng 10-2013 tại Đài Loan, trong đó nói: Hội nghị SCAP 21 đã dành phút mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp; ra Thông cáo báo chí về sự ra đi của Đại tướng: “Hội nghị Ủy ban Thường trực CCB khu vực châu Á TBD lần thứ 21 của Liên đoàn CCB Thế giới xin bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất đến nhân dân, CCB Việt Nam và gia đình về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Đại tướng của nhân dân, người Tổng Tư lênh đầu tiên và là Anh cả của QĐND Việt Nam, Chủ tịch Danh dự của Hội CCB Việt Nam”.
Trước Đại hội, Hội CCB Việt Nam đã có nhiều đóng góp vào việc chuẩn bị các văn bản, dự thảo nghị quyết... Trong thư trả lời Hội, ông Tổng thư ký Mohammed Beljjaloun viết WVF rất hoan nghênh những cố gắng của Hội CCB VN cũng như Làng Hữu Nghị thuộc T.Ư Hội trong việc phát triển xây dựng Làng và nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho CCB, con CCB bị ảnh hưởng chất độc da cam/đi-ô-xin. Tại Đại hội WVF ở Johannesburg, Nam Phi năm 2003, Làng Hữu Nghị đã được nhận danh hiệu “Phục hồi chức năng” do WVF trao tặng nên Đại hội XXVIII này WVF không tặng lại nữa. Tuy nhiên, WVF mong muốn Hội CCB Việt Nam và Làng Hữu Nghị tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được để giúp làm dịu đi những nỗi đau da cam và hậu quả chiến tranh còn để lại.
Tại Đại hội, đồng chí Phùng Khắc Đăng đã cám ơn ông Tổng thư ký, ông quyền Chủ tịch Hội (người Pháp) và lãnh đạo SCAP 21 về tình cảm và sự mến mộ các bạn dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp-Chủ tịch Danh dự Hội CCB Việt Nam nói riêng và CCB Việt Nam nói chung, nhất là về Dự án đặc biệt của WVF, mong muốn Dự án đặc biệt này sớm trở thành hiện thực.
Bên lề Đại hội, đồng chí Phùng Khắc Đăng đã có nhiều cuộc tiếp xúc, tham vấn với các đoàn, nhất là những đoàn trong khu vực như Singapo, Malaysia, Hàn Quốc… về các vấn đề cùng quan tâm như tình hình Biển Đông hay việc bầu lãnh đạo mới của WVF, của SCAP… Một số bạn bè còn muốn Việt Nam đăng cai tổ chức đại hội hoặc làm Chủ tịch SCAP.
Cũng bên lề Đại hội, sáng ngày 2-9 các đoàn CCB: Nga, Ucraina, Bun-ga-ri, Ba Lan, Singapo, Malaysia, Ma-rốc, Hàn Quốc… đã đến gặp và chúc mừng Đoàn ta nhân kỷ niệm 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.
Những ngày Đoàn đại biểu Hội CCB Việt Nam công tác tại Ba Lan, đồng chí Nguyễn Kiến Thiết-Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam và Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan đã đến gặp gỡ, nghe thông báo kết quả hoạt động của Đoàn; thông báo cho Đoàn về hoạt động của người Việt, của CCB Việt Nam tại Ba Lan. Đặc biệt, lực lượng CCB Việt Nam ở Ba Lan, điển hình là CCB, thương binh Đỗ Chính (ở Sopot); Âu Văn Yên-Chủ tịch CLB CCB Việt Nam ở Ba Lan, Duy Tiến-Ủy viên BCH CLB… đã nhiệt tình giúp Đoàn hoàn thành nhiệm vụ.
Đại hội Liên doàn CCB Thế giới lần thứ XXVIII thực sự là đại hội dân chủ, có tiếng nói mạnh mẽ vì quyền lợi CCB, vì hòa bình, đoàn kết và phát triển, chống nguy cơ chiến tranh và các mối đe dọa đến xã hội loài người và đặc biệt là tình cảm bạn bè quốc tế đối với CCB Việt Nam và đất nước, con người Việt Nam nói chung. Tham gia và đóng góp tích cực vào thành công của Đại hội; chúng ta thêm tự hào, hãnh diện tiến bước trên con đường hội nhập và phát triển.
Trần Dần