Đại hội lần thứ III Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam: Tâm huyết, nghĩa tình, hiệu quả, phát triển

Đoàn cán bộ Chương trình sâu nặng ân tình thăm và tặng quà cho Mẹ VNAH ở tỉnh Tây Ninh. (tháng 7-2017).

Hai nhiệm kỳ Đại hội đã đi qua, đánh dấu chặng đường đầu trong hành trình tri ân liệt sĩ. Giờ đây nhìn lại mới cảm nhận hết được ý nghĩa và tầm vóc của cuộc hành trình không ngơi nghỉ, không có điểm dừng và cũng không có kết thúc. Cuôc hành trình đó bắt nguồn từ đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Hậu quả của các cuộc chiến tranh để lại trên đất nước ta là rất nặng nề, mà đau thương nhất là các gia đình liệt sĩ. Những ai đã từng đi qua các cuộc chiến tranh đều thấu hiểu nỗi đau thương mất mát của những người mẹ, người vợ, người con, người thân các liệt sĩ. Nhiều năm sau chiến tranh, họ chờ đợi và tiếp tục chờ đợi ngày trở về của người thân. 300.000 hài cốt liệt sĩ (HCLS) chưa xác định được danh tính, gần 200.000 liệt sĩ chưa tìm thấy mộ vẫn là một câu hỏi lớn. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn này, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (HTGĐLSVN) được thành lập với tâm huyết ghé vai cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân ta làm những gì mà thân nhân gia đình liệt sĩ đang mong mỏi, đang chờ đợi.

10 năm qua, vượt lên những khó khăn từ nhiều phía, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ban ngành T.Ư, chính quyền các địa phương, Hội HTGĐLSVN và các tổ chức Hội đã làm được những việc thiết thực, ý nghĩa đối với các gia đình liệt sĩ, Mẹ VNAH. Con số hơn 192.560 thông tin liệt sĩ được Hội đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong đó có Websitre trianlieetsi.vn và Tạp chí điện tử Tri ân (Trian.vn) đã giúp cho các thân nhân đi tìm mộ liệt sĩ được thuận lợi. Tổ chức giám định ADN cho 939 HCLS, trong đó xác định đúng danh tính liệt sĩ đạt 69% là niềm vui đẫm nước mắt của các mẹ, các chị và người thân liệt sĩ. Hàng chục nghìn gia đình liệt sĩ, Mẹ VNAH có hoàn cảnh khó khăn trong những năm qua được các tổ chức Hội trong cả nước trao tặng Nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, quà và thăm khám bệnh, cấp thuốc miễn phí đã làm vơi đi những khó khăn vất vả. Hàng trăm gia đình liêt sĩ được các tổ chức Hội và hội viên phối hợp đón 788 HCLS về quê hương yên nghỉ làm yên lòng người thân của họ. Thật xúc động với những việc làm của ông Đỗ Tuấn Đạt - Chi hội trưởng Chi hội HTGĐLS quận Cầu Giấy, Hà Nội với hằng chục năm, dùng ô tô cá nhân đi đón gần 100 liệt sĩ từ các chiến trường miền Nam, nước bạn Lào về các tỉnh phía Bắc. Quãng đường ông đã đi trong khoảng 10 năm tới 800.000km.

Thương binh Phạm Ngọc Mậu - Chủ tịch Hội HTGĐLS T.P Hải Phòng, đã cùng đồng đội miệt mài trong những chuyến đi về các chiến trường xưa để tìm và đưa được trên 500 HCLS là con em của T.P Hải Phòng về yên nghỉ tại quê hương. Nhiều, nhiều lắm những tấm gương sáng của các hội viên trong cả nước về tình đồng đội, về nghĩa cử tri ân liệt sĩ mà chúng tôi không thể nêu hết được.

Cùng với hoạt động tri ân liệt sĩ, qua 10 năm xây dựng và phát triển, Đến nay toàn quốc đã có 12 Hội và 6 Chi hội cấp tỉnh, thành phố; hơn 90 Chi hội cấp huyện và tương đương; 14 Chi hội trực thuộc tỉnh Hội và gần 6.000 hội viên đã được cấp thẻ ở 63 tỉnh thành trên cả nước.

Kết quả đạt được trong 10 năm qua giúp Hội có những bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá, đồng thời cũng là tiền đề bước vào Đại hội III, nhiệm kỳ 2020-2025 với chủ đề “Tâm huyết, nghĩa tình, hiệu quả, phát triển”.

Nhiệm kỳ tới, một khó khăn lớn đối với công tác liệt sĩ là chiến tranh càng lùi xa thì việc tìm kiếm, quy tập HCLS và xác định HCLS còn thiếu thông tin càng trở nên khó khăn hơn. Bởi mức độ phân hủy của HCLS qua năm tháng làm cho việc tìm kiếm sĩ và giám định ADN hài cốt càng khó. Các CCB là nhân chứng sống của các cuộc chiến tranh, những người đã cùng chiến đấu và chôn cất liệt sĩ thì tuổi càng cao, sức khỏe càng yếu, dần qua đời theo năm tháng. Cùng với đó, sự phát triển KTXH đi kèm đô thị hóa với tốc độ nhanh đã xóa dần dấu vết chiến tranh…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia 515 phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án 1237 và 150 trong 2 năm 2016-2018: “Ưu tiên tập trung các nguồn lực cho công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin, nhất là các địa bàn trọng điểm. Phấn đấu đến 2020 hoàn thành bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, tiến tới công bố dữ liệu quốc gia về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ; cơ bản hoàn thành việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập HCLS ở 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) trong phạm vi toàn quốc”.

Theo dự thảo báo cáo trình Đại hội thì các chỉ tiêu, phương hướng hoạt động của Hội và các tổ chức Hội là: Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm về tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội, làm lan tỏa trong xã hội đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”. Làm tốt công tác thu thập, kết nối, sử lý thông tin nhằm cung cấp hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin. Phấn đấu xác định miễn phí trên 500 HCLS còn thiếu thông tin theo đề án của chính phủ. Nâng cao hiệu quả công tác vận động tài trợ để huy động nguồn lực cho tri ân liệt sĩ. Phấn đấu vượt chỉ tiêu so với nhiệm kỳ trước về tặng Nhà tình nghĩa, sổ tiết kiệm, các suất quà và khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho đối tượng Người có công, trong đó có thân nhân liệt sĩ. Với chỉ tiêu, phương hướng trên, đòi hỏi cán bộ, hội viên Hội HTGĐLSVN thực hiện tốt chương trình hành động do Đại hội lần thứ III đề ra. Góp phần cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân chăm lo cho gia đình liệt sĩ cả đời sống tinh thần và vật chất ngày càng tốt hơn như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn. Qua đó, xây dựng và phát triển Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam ngày càng lớn mạnh.

Trung tướng Lê Văn Hân - Nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam