Đại đội 82 Quyết thắng của tôi

Từ giã Quân đội, trở về với cuộc sống đời thường đã 33 năm, vậy mà trong ký ức của tôi vẫn hiển hiện như mới hôm nào - cái không khí luyện quân sôi động, hào hùng của đơn vị Quyết thắng: Đại đội 82, Tiểu đoàn 26, Quân khu Tây Bắc (cũ)  trong những năm 1966-1967.

Là đơn vị huấn luyện thông tin hữu tuyến, nên lúc nào dây, máy, túi ghim (tre) cũng “quấn quýt” quanh người. Dây thông tin ngày ấy cực bền nhưng cũng siêu nặng. Mấy ngón tay lính, anh nào anh nấy cứ như bị “cua cắp” hết lượt bởi những mối nối tập: dệt lõi, dệt vỏ, củ ấu... Mệt nhất là khoa mục “ra - thu dây 400m”. Cán bộ vừa bấm thời gian, vừa theo dõi từng động tác rải dây qua các địa hình. Khi thu dây, đến giai đoạn nước rút: Choãi chân, đứng tại chỗ “guồng”... Sợi dây uốn lượn, bật mình tanh tách trên mặt đất, hối hả, cấp tập chạy vào ôm chặt lấy “sừng bò” * mặc cho lính ta cứ việc “mồm mũi tranh nhau thở”. Ấy vậy mà, nếu so với chạy vũ trang mang 30kg trên vai, vượt đường dài có dốc, thì cái mệt này vẫn còn thua xa! Chạy về tới đích đã thấy Quân y trực sẵn, ngăn không cho mọi người ngồi hoặc nằm, bắt phải đi lại vận động đề phòng bị choáng, ngất.

Có lẽ đồng đội của tôi ngày ấy nhiều người đến giờ chắc vẫn chưa quên những cái tên dốc như Búng Luông, Chạm Cẳng. Có anh thắc mắc: Búng Luông còn có thể hiểu được: Tên bản Thái ở dưới lũng sâu như giếng. Muốn vào bản phải vượt qua một cái dốc mệt đứt hơi gọi là dốc “Búng Luông”. Nhưng còn cái dốc “Chạm Cẳng” tên gì mà nghe lạ hoắc? Thì được “bố bản” giải thích: Nó là mũi người leo sau chạm cẳng chân người leo trước. Tây Bắc ớn nhất là mùa mưa. Cái cảm giác gai gai, nổi da gà mỗi khi phải cởi trang phục đang khô ấm trên người ra, để mặc quần áo vẫn còn ẩm ướt vào đi thao trường, thật khó chịu (tân binh thường phải xin quân phục cũ của cựu binh, chiến sĩ xin cán bộ).

Tôi nhớ mãi câu nói “nổi tiếng” của Đại đội trưởng Dương Đức Tráng: “Trời mưa là thời cơ rèn luyện tốt nhất. Mất tiền cũng không mua được những trận mưa như thế này đâu”.

Bình luận về những lời thú vị này, có lính đường dây đã gật gù: “Kể cũng phải! Nếu trời không mưa, người và dây máy không ướt, điện “ma-nhê-tô” không xông, không rò thì làm sao biết được thế nào là bị điện thoại nó giật, để mà phòng tránh”.

Mùa mưa cũng là mùa vắt sinh sôi - một trong “tứ quái” (vắt, ve, ruồi vàng, bọ chó) của Tây Bắc. Chuyện vắt ngủ chung với người sau những lần tập đêm về không phải là hiếm. Có một điều khiến tôi tâm đắc suốt nửa thế kỷ qua, đó là: Những tháng năm hào hùng ấy, tôi và đồng đội đã sống hết mình! Vất vả, thiếu thốn, nhưng lúc nào cũng cảm thấy vui. Nhiệm vụ đi lấy gạo vào buổi sáng hôm sau nhưng tối hôm trước lại có phim, thế là mọi người bàn nhau: Đề nghị cán bộ cho kết hợp đem theo bao tải, xem phim xong đi lấy luôn. Trời sáng thì gạo cũng về tới kho đơn vị. Cả chuyện ra thao trường: Cơ số dây, máy, vũ khí, phương tiện của một chiến sĩ đã đủ nặng, vậy mà khi về còn phải dồn lại, dành người vác củi cho nhà bếp. Hành quân đêm, những viên gạch của mấy bức tường đổ từ thị xã Sơn La (sơ tán) cũng theo lính về đơn vị để xây bếp Hoàng Cầm... Khẩu hiệu “Đi không về có”, “Đi nhẹ về nặng” thi đua đạt danh hiệu “Quân y 5 tốt”, “Bếp Quyết thắng” được mọi người hưởng ứng như vậy đó.

Sơn La - Tây Bắc ngày ấy đất trồng trọt ít, rau xanh khan hiếm. Vậy mà phong trào tăng gia tự cải thiện của đơn vị lên cao đến mức các tiểu đội, trung đội tranh nhau đăng ký cắt rau, thu hái củ quả cho nhà bếp. Năm 1966, toàn đơn vị thu hoạch được 5.000kg rau xanh, củ quả các loại, một con số có thể coi như kỳ tích về tinh thần tự lực, tự cường của Đại đội 82 giữa nơi sơ tán. Từ hội trường, nhà ăn, nhà chỉ huy đại đội đến lán trại của các B đều do cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tự tay làm nên bằng tranh tre nứa lá và gỗ rừng tự kiếm. Báo QĐND hồi đó đã có bài biểu dương với nhan đề “Nhà đẹp mọc trên bãi hoang. Rau xanh tìm đâu cũng có”.

Những tiết mục văn nghệ tự biên, tự diễn của đơn vị đều mang hơi thở, nhịp sống của bộ đội. Như bài “Hành khúc 82”, một bài hát tập thể được hình thành từ ý tưởng của chính trị viên Bùi Hữu Lân đã trở thành bài hát truyền thống của đơn vị. Có thể nói đó là bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa nghệ thuật quần chúng muôn sắc, muôn hương của Tiểu đoàn thông tin 26 ngày đó. Ngoài ra còn phải kể đến tiểu phẩm “Thần Dũng sĩ” với nội dung phản ánh phong trào thi đua “Khởi thế tấn công. Giương cao cờ hồng. Đoàn kết đồng tâm. Giành bốn Dũng sĩ” của đơn vị. Tiểu phẩm đó từng được đi biểu diễn ở Quân khu cho cả cố vấn quân sự của nước bạn xem.

Trong khuôn khổ một bài viết nhỏ, không thể nói lên được hết những gì mà đồng đội của tôi đã sống, học tập và rèn luyện ở một đơn vị Quyết thắng như Đại đội 82, Tiểu đoàn 26, Thông tin Quân khu Tây Bắc (cũ). Tôi chỉ muốn gửi đến các thủ trưởng, đồng đội cũ trong 2 năm đầu đời quân ngũ của tôi một vài kỷ niệm như tình cảm của một người lính cũ.

NGUYỄN VĂN CỰ

* Cái khung tre (hoặc gỗ) giống sừng bò dùng để cuộn dây thông tin.