Đắc Tô - Tân Cảnh: Ngày ấy, bây giờ (20/04/2012)

Góp phần làm nên chiến thắng đó, không chỉ có cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66, thuộc Bộ tư lệnh Thăng Long (Sở tiền phương Bộ tư lệnh B3) mà còn có hàng ngàn lượt bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, nhân dân phía Bắc Kon Tum cùng được huy động tham gia, với tinh thần “Trường Sơn chuyển mình, Pô Cô dậy sóng, quét sạch quân thù, giải phóng quê hương”…

Tại ngã ba tỉnh lộ 672 (QL 14 cũ) và đường Hồ Chí Minh đi về ngã ba Đông Dương trên khoảng đất rộng là cụm Tượng đài chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh sừng sững vươn cao. 25 năm về trước, hai bên tỉnh lộ 672 còn là những căn nhà đơn sơ nay đã nhường chỗ cho các căn nhà liền kề nhiều tầng với nhiều kiểu dáng kiến trúc đẹp, mới lạ. Mặt đường rộng mở, thảm nhựa. Nhiều công trình mới đã và đang được đầu tư xây dựng. Người dân có ý thức cộng đồng trách nhiệm cùng chung lo thực hiện mục tiêu xây dựng môi trường đô thị xanh, sạch, đẹp… Đó là kết quả đồng tâm hợp lực của cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn huyện thi đua thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trong 40 năm qua, trong đó có vai trò tham gia của hội viên CCB huyện.

Thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, hội viên làm giàu chính đáng, Hội CCB huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum đã vận dụng cách làm, phát huy nguồn lực trong hội viên để hỗ trợ, giúp nhau làm kinh tế, đi đôi với tạo các mô hình làm kinh tế hiệu quả để thu hút lực lượng lao động trong hội viên và con em CCB, CQN. Theo đó, tính đến cuối năm 2011, Hội CCB huyện đã trồng được 51,7 ha rừng; 2.400 ha sắn (củ mì); 365,4 ha cây cao su; 71 ha cà-phê; chăn nuôi 504 con trâu, bò. Hội viên CCB có 25 trang trại. Gương CCB sản xuất giỏi xuất hiện ngày càng nhiều, nhất là các hội viên dân tộc thiểu số. Điển hình như các hội viên A Đinh, xã Kon Đào, sản xuất 2 ha lúa, 5 ha cao su, đưa thu nhập bình quân/năm đạt 100 triệu đồng; hội viên A Tâm, xã Tân Cảnh đã mạnh dạn đầu tư lắp ráp hệ thống sấy, xay xát cà-phê trị giá 150 triệu đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, có lãi… Từ vận dụng cách làm và đầu tư vào các mô hình sản xuất tiến triển tốt đã góp phần đưa số hộ CCB có mức sống giàu và khá đạt 47%; hộ có mức sống trung bình 34,43%; hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 18,57%. Điều đáng quan tâm là, những hội viên sản xuất giỏi không chỉ chú ý đến tư vấn kỹ thuật, cho vay vốn không lấy lãi suất mà còn quan tâm tạo việc làm thường xuyên cho trên 100 hội viên và con, em hội viên với thu nhập ổn định. Như vậy, năm 2011 toàn huyện tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16,02%, tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt trên 19,9 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt 302,77 tỷ đồng, vượt 73,76% so với chỉ tiêu đề ra. Số hộ nghèo giảm xuống còn 18,3%, thì vai trò hội viên CCB đã góp phần tích cực trong đó.

Trọng tâm hoạt động văn hóa - xã hội của các cấp hội là vận động hội viên tham gia thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đăng ký và thực hiện xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”. Vào đầu năm, Huyện hội đã cụ thể hóa nội dung cuộc vận động thành chỉ tiêu công tác giao cho cơ sở thực hiện. Các cơ sở Hội đều cụ thể hóa các chỉ tiêu nghị quyết của cấp ủy về y tế, văn hóa, giáo dục, an ninh trật tự… thành các chỉ tiêu công tác Hội để cán bộ, hội viên xác định trách nhiệm thực hiện. Qua 752/754 hộ CCB đăng ký chỉ tiêu xây dựng gia đình văn hóa, thì kết quả có 677/752 hộ đạt “Gia đình văn hóa”, không có gia đình hội viên vi phạm về an toàn giao thông, tiêm nhiễm các tệ nạn xã hội. Đó là cơ sở để Hội CCB toàn huyện cùng thi đua thực hiện các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ huyện đề ra, phấn đấu đến năm 2015, có hai xã đạt tiêu chí “Nông thôn mới”. Trên 85% hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 70% số thôn (làng, khối phố) đạt danh hiệu “Làng văn hóa”.

Bài và ảnh: Nhân Mùi