“Đặc sản” hò lờ
Hò lờ - Một điệu hò tập thể khá độc đáo trong các đoàn dân công Bắc Bộ tiếp lương, tải đạn ra mặt trận hồi kháng chiến chống Pháp, nhất là ở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Thoạt đầu, chỉ để “nâng” nhẹ bước chân tiếp vận, quên mệt nhọc. Khi gặp những đoàn bộ đội hành quân, thì hòa vào “chơi” hò lờ.
Hò lờ được cất lên hồn nhiên hướng vào hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Chính vì vậy, mặc dù không phải là tác phẩm của nghệ sỹ hay diễn viên chuyên nghiệp, từ ngữ rất mộc mạc... nhưng lời hò nào cũng dễ nghe, có ý tứ, chân thành và thiện ý, đôi khi lãng mạn, rất đáng yêu.
Sau mỗi câu hò, nhất là hò đối đáp, thường có tiếng cười. Cười vì nội dung hóm hỉnh. Cười vì sự “thách thức” mà mình đang tạo cho bên kia những bí tắc…
Lời hò lờ là những câu vần lục bát. Cao độ của giọng hò thường vượt trên giọng đô trong âm nhạc. Nó phản ánh tâm trạng người dân công “hò lên cho đời chúng ta tươi!”.
Vào cuộc hò, một người lĩnh xướng câu lục. Những người khác đồng thanh tiếp tiếng đế “Ai đi hò lờ”. Người lĩnh xướng tiếp bốn từ ở nửa đầu câu bát. Những người khác lại đồng thanh tiếng đế “Ai đi hò lờ”. Người lĩnh xướng tiếp bốn từ còn lại của câu bát. Tất cả đồng thanh tiếp vào “Hò lơ, hó lơ, lắng tai nghe tiếng ai đi hò lờ”. Cứ như thế, mỏi thì nghỉ. Vẫn còn muốn hò thì hò tiếp. Có khi hò suốt một chặng đường…
(Trên đỉnh Pha Đin đoàn dân công hò: “Đèo cao thì mặc đèo cao/ Ai đi hò lờ/ Ta lên đến đỉnh/ Ai đi hò lờ/ Ta cao hơn đèo/ “Hò lơ, hó lơ lắng tai nghe tiếng ai đi hò lờ”...)
Theo cách thức diễn xướng như thế, các câu vần lục bát được sử dụng vào hò lờ rất phong phú, linh hoạt, như “Trời mưa ướt áo ướt quần/ Nhưng không ướt được tinh thần thi đua”, “Thương chồng em nấu cháo chim câu/ Chồng ăn chồng gáy như “trâu phá chuồng”...
Thú vị nhất là hò đối đáp. Thí dụ: Một đoàn nữ dân công đang tiếp lương tải đạn gặp đoàn bộ đội hành quân lên phía trước, liền nảy câu hò: “Bộ đội mà gặp dân công/ Như cá gặp nước/ Như ông gặp bà”. Rồi có vẻ như nữ dân công nghĩ nhiều đến anh nuôi. Vì anh nuôi là số ít, lại thường hay có ý tự ty về công việc, không được trực tiếp giết giặc. Một chị cất lên: “Trên đời em chẳng yêu ai/ Yêu anh bộ đội gánh hai cái nồi”. Anh nuôi gánh nồi bị bất ngờ, đâm ra lúng túng. Lập tức, đồng đội ứng khẩu “mớm” cho, đáp: “Có nồi, nhưng chẳng có vung/ Dân công mà có ta cùng úp nhau”. Tiếng cười rộn rã cả hai bên...
Nội dung hò lờ khá phong phú, nhưng dân công Điện Biên Phủ do xa nhà nhiều ngày nên thường đưa chuyện lứa đôi, chuyện vợ chồng vào hò trên các nẻo vận chuyển (có thể như thế để đỡ nhớ nhà chăng!). Đầu tiên, các mẹ “sồn sồn” táo tợn “ra điều” trước. Có những trêu chọc rất hãnh diện: “Đêm ngày mê mải chiến công/ Thoáng nom như có cả chồng em kia”. “Vịt gà nuôi béo nhốt lồng/ Chờ anh bộ đội lập công trở về”. Cười khúc khích. Bộ đội tinh nghịch. Lợi dụng chiến thắng sau một đêm công đồn (du kích đã bám, chuẩn bị cho trận đánh 3 năm rồi), bắt lời: “Ba năm du kích nằm kề/ Không bằng bộ đội “nó” về một đêm”. Đám dân công nam vừa buồn cười lại vừa “cú”, liền “lên mồm”: “Lấy chồng thì lấy dân công/ Chớ lấy bộ đội, nằm không một mình”... Tất cả cùng cười vui vẻ.
Nữ dân công trẻ được các anh chị khích lệ thì không dám “táo tợn” như đàn chị, mà rất tình cảm, thiết tha: “Anh đi gìn giữ nước non/ Tóc xanh em đợi, lòng son em chờ”. Hoặc tự hào hãnh diện: “Ai ơi chớ lấy chồng non/ Chờ ngày độc lập lấy con Cụ Hồ” (luận từ câu: Bác Hồ là người Cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân). Tiếng hoan hô vang dậy xen lẫn tiếng cười…
…Bộ đội phải khẩn trương lên phía trước, giơ mũ vẫy chào: “Đi nhé! Hẹn ở Điện Biên Phủ nhé”…
Cứ như thế, “hò lờ dân công” góp phần vào sức mạnh toàn dân tộc để kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp với trận thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Phạm Xưởng