Đặc biệt lưu ý kiểm soát giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia cầm (10/02/2010)
Đó là phát biểu của ông tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 9/2.
Hiện nay, diễn biến dịch cúm gia cầm đang phức tạp và nguy cơ lây lan rộng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung.
Trong hai tuần (từ 26/1-9/2), cả nước tiếp tục phát sinh thêm nhiều ổ dịch, chủ yếu trên đàn gia cầm chưa được tiêm phòng vắcxin cúm. Đặc biệt, dịch cúm gia cầm ở Cà Mau và Hà Tĩnh kéo dài và phân bố rộng, cộng thêm sự yếu kém trong việc chỉ đạo của địa phương khiến dịch trở nên khó kiểm soát.
Tính đến nay, Hà Tĩnh đã có 6 ổ dịch cúm gia cầm tại các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà và thành phố Hà Tĩnh với tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy là hơn 8.200 con. Tại Cà Mau, tính từ đầu ổ dịch (ngày 31/12) đến nay, dịch phát ra tại 8 xã thuộc các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và thành phố Cà Mau làm hơn 6.420 gia cầm mắc bệnh và buộc tiêu hủy.
Theo thông báo của Cục Thú y, hiện có 6 tỉnh là Cà Mau, Hà Tĩnh, Điện Biên, Sóc Trăng, Kon Tum và Quảng Trị có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày.
Trước tình hình dịch có dấu hiệu lây lan trên diện rộng, ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra công điện số 06/CĐ-BNN-TY gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bộ, ngành trong Ban Chỉ đạo quốc gia nhằm tăng cường công tác phòng chống cúm gia cầm trước và sau Tết Canh Dần.
Theo đó, các tỉnh đang có dịch tập trung các nguồn lực nhanh chóng dập tắt dịch, siết chặt công tác kiểm soát vận chuyển, không để dịch lây lan sang các địa phương khác. Các tỉnh không có dịch tăng cường giám sát, phát hiện sớm và báo cáo kịp thời khi xảy ra dịch.
Các địa phương rà soát công tác tiêm phòng, đặc biệt chú trọng kiểm tra tỷ lệ tiêm phòng cho đàn vịt; kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm trong nước cũng như qua biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu và thay đổi hành vi, hạn chế tối đa các trường hợp cúm gia cầm ở người./.
A. Hoàng