Cách đất liền khoảng 260 hải lý, cụm đảo Đá Tây là một dãy núi đá san hô hình ô van gần như khép kín, tạo thành một chiếc hồ dài chừng 6km ở bên trong. Cũng có cửa ra vào, luồng lạch nhưng tất cả đều chìm nghỉm; chúng tôi nhận ra là do những vệt nước màu trắng loang xa, dưới ánh mặt trời và gợn sóng khiến nó mơ hồ như sương như khói. Ở những điểm nhô giáp mặt nước, chúng ta đã xây nên những ngôi nhà lâu bền gọi là A, B, C, cùng với ngọn đèn hải đăng của Bộ TN và MT, khu dịch vụ hậu cần nghề cá, Bộ NN và PTNT…

Trong phòng Hồ Chí Minh ở đảo A, thấy tôi ngắm mãi bức tranh có tượng Bác Hồ trên Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, do UBND tỉnh Nghệ An đề tặng, thiếu tá Nguyễn Văn Tĩnh, Đảo trưởng, 38 tuổi, nhưng từ 1997 đã là Đảo phó của đảo Đá Nam tâm sự: Trước đây đảo chỉ có nhà bạt, với những chiếc giường tầng bằng sắt. Khi thủy triều dâng ngập tầng 1 thì lên tầng 2, ngập tầng 2 thì lên tầng 3, nước rút lại chuyển dần xuống tầng 1. Ngày đêm lính cởi trần, lặn ngụp trong nước mặn, ăn thịt hộp, đèn dầu thì họa hoằn. Nay đỡ khổ nhiều lắm, anh thấy đấy.

Tôi nhìn qua cửa sổ, thấy một vườn rau cải xanh ngăn ngắt, được ghép bằng những chậu nhựa hình chữ nhật, một mái gà đang bới đất cho đàn con liếp chiếp xung quanh. Trên chiếc dây phơi treo lủng lẳng năm, sáu cái điện thoại di động bọc trong túi ni lông của bộ đội để chống ẩm mốc do nước mặn. Trên đỉnh chòi quan sát là hệ thống điện bằng pin mặt trời. Nguyễn Văn Tĩnh khoe, đơn vị đang xây khu nhà tiếp dân để đón các tàu cá vào tránh bão và làm dịch vụ. Từ nắm đất, con gà, viên sỏi, hạt cát trở đi đều chuyển từ đất liền ra.

Sang đảo Đá Tây B, tôi gặp thiếu uý CN, y sĩ Trần Văn Khẩn, em quê ở xã Ân Hòa, Kim Sơn, Ninh Bình; đó là một chàng trai dong dỏng và nhanh nhẹn như một chú cá chuồn. Lần giở cuốn sổ nhật ký điều trị, Khẩn cho biết; không kể bộ đội, đảo đã khám bệnh, cấp thuốc cho 102 trường hợp dân sự như anh Trần Quang Hải, nhân viên Trạm hải đăng bị trượt ta-luy, rơi xuống đá san hô, đa chấn thương ở đầu, mặt và chân tay, do điều kiện vô trùng khó khăn nên phải tiêm kháng sinh liều cao 10 ngày liền. Anh Dương Minh Thu, 31 tuổi, thuyền viên tàu cá QNg 96698 bị thuỷ đậu bội nhiễm (sốt cao) phải truyền dịch để hạ sốt rồi chuyền sang thị trấn Trường Sa có điều kiện hơn. Gia đình Khẩn cũng đang rất khó khăn, bố mất năm 2004, còn lại mẹ già và 6 em, nhưng có 1 em bị bệnh ung thư chạy chữa hai năm chưa khỏi và 1 em đang đi học phải quan tâm. Anh em bảo: “Lương tháng cứ gửi cả về nhà, ở đây no đói có nhau”…

Chúng tôi chỉ có 10 phút để lên Khu dịch vụ hậu cần nghề cá, nghe anh Bùi Văn Dương, đội phó, nói câu được tính từng ngày: Tôi ra đảo được đúng 1 năm 10 ngày, khiến cả phòng cười ồ lên vui vẻ. Đây là khu tổ chức các dịch vụ công ích như bán xăng dầu (bằng giá ở trong bờ), sửa chữa tàu thuyền giá rẻ, cung cấp nước ngọt, cứu chữa ngư dân bị nạn, tổ chức thu mua cá… Năm 2009 đã có trên 300 lượt tàu thuyền ra vào hoạt động, Khu dịch vụ còn đang nuôi 8 lồng cá chim trắng (mỗi lồng 100 con, mỗi con nặng 2kg). Từ đây sẽ mở ra tiềm năng nuôi trồng nhiều loại thủy, hải sản khác cho Trường Sa.

Khi chía tay, thiếu tá Dương Minh Khái, Chính trị viên đảo hỏi tôi; anh đến “Bia thơ” chưa ? Tôi sững sờ: “Bia thơ” nào? Dương Minh Khai cười thân mật: Bia đá khắc bài thơ “thần” của cụ Lý Thường Kiệt, ở Khu dịch vụ nghề cá. Không biết có từ bao giờ, bệ bia mang hình trống đồng, linh lắm, khách thường tới thắp hương. Rồi anh thong thả đọc: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đảng hành khan thủ bại hư ”. Tôi thấy mình như đã đánh mất một điều gì. Nhưng khi lững thững xuống xuồng để ra tàu, tôi bỗng nhớ tới câu thơ của thiếu tá Hải Âu, viết trên báo tường ở nhà dàn DK1/2: A, đây rồi chấm trắng giữa biển khơi/ Những cột mốc của giang sơn bất diệt/ Để khẳng định với bạn bè quốc tế/ Đất của cha ông có tự ngàn đời. Thật lạ, hai thế hệ cách nhau ngót 1000 năm mà vẫn chung một niềm tin son sắt.

Kỳ sau: Hai giờ trên đảo Đá Lát.

Bài và ảnh: Tô Kiều Thẩm