Ngày 15-7-1950, Đảng đoàn Thanh vận T.Ư họp và giao cho Ban Thường vụ T.Ư Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam tổ chức thành lập Đội Thanh niên xung phong (TNXP) để phục vụ Chiến dịch Biên giới. Đội TNXP đầu tiên được thành lập tại núi Hồng Lĩnh, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, với nhiệm vụ sửa chữa cầu đường, mở tuyến giao thông vận chuyển vũ khí, lương thực, thuốc men, quân trang, quân dụng từ hậu phương ra tiền tuyến. Lúc đầu, Đội có 225 đội viên; chia thành ba Liên phân đội góp phần tiêu diệt căn cứ điểm Đông Khê, mở màn cho chiến dịch Biên giới… Ngày 20-3-1951, trong chuyến thăm Liên phân đội TNXP 312 làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù (Bắc Kạn), Bác Hồ ứng khẩu 4 câu thơ nổi tiếng tặng lực lượng TNXP Việt Nam: Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. TNXP luôn sát cánh cùng lực lượng vũ trang, có mặt trên các tuyến đường chiến lược, những trọng điểm ác liệt, giáp mặt với quân thù như Đèo Pha Đin, đèo Lũng Lô, Ngã ba Cò Nòi, cầu Tà Vai... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng TNXP có trên hơn 130.000 người, cùng toàn quân, toàn dân viết nên những trang sử vàng chói lọi. Những dấu ấn trên Đường Hồ Chí Minh huyền thoại như: Đường 20 Quyết Thắng, Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Hàm Rồng, cua chữ A, phà Xuân Sơn... Nhiều tấm gương chiến đấu, hy sinh của TNXP được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.
Đó là đồng chí Mai Văn Cương, sinh năm 1945, tại xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận, dân tộc Raglai. Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo vùng chiến khu, Cương sớm giác ngộ cách mạng, tự nguyện thoát ly tham gia kháng chiến từ năm 16 tuổi. Trải qua 12 năm chiến đấu và công tác trên chiến trường cực Nam Trung Bộ, đồng chí luôn thể hiện phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng kiên trung. Những lúc khó khăn gian khổ nhất, đồng chí luôn có mặt, gan góc, quên mình để làm tròn nhiệm vụ. 7 năm công tác tại Đoàn H50 vừa vận tải hàng chiến lược, vừa trinh sát, vừa bám đánh địch, đồng chí có mặt trong lúc nguy hiểm ác liệt; 6 lần bị thương không lần nào lùi bước, hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Nhiều chuyến hàng đặc biệt, đột xuất, nhiều đoàn cán bộ cao cấp, thương bệnh binh đến nơi quy định an toàn. Trong chiến đấu đồng chí là cán bộ chỉ huy giỏi; dũng cảm, bình tĩnh và chính xác. Cùng với đồng đội trực tiếp tiêu diệt nhiều tên địch, thu nhiều vũ khí, đạn dược và máy móc hiện đại. Đồng chí hy sinh ngày 24-6-1973. Mai Văn Cương, được tặng thưởng nhiều Huân chương Chiến công, Huân chương Chiến sĩ giải phóng, hàng chục Huy hiệu Dũng sĩ quyết thắng, 3 lần là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và 1 lần Chiến sĩ Thi đua quân khu; ngày 23-7-1997, đồng chí được truy tặng Danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Hoàng Lộc là con út trong một gia đình ở số 46, phố Trần Xuân Soạn, quận Hai Bà Trưng, T.P Hà Nội. Ngày 17-7-1965, xếp lại giấy báo trúng tuyển Trường đại học Tổng hợp, anh nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 816, Đội TNXP, làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, có nhiệm vụ nổ mìn phá đá trên các tuyến đường 15A, 21A, 22A… Đông Trường Sơn. Năm 1966, Hoàng Lộc được tín nhiệm bầu làm Bí thư chi đoàn của Đại đội 816 và được kết nạp vào Đảng tháng giêng năm 1967. Luôn đi đầu, nhận về mình những phần việc khó khăn và gian nguy nhất, là tính cách của Hoàng Lộc. Khi giặc Mỹ điên cuồng trút bom xuống những tuyến đường mới mở, nhằm chặn đứng nguồn chi viện từ Bắc vào Nam. Có tuần, Hoàng Lộc cùng Đội cảm tử bám đường thu nhặt và phá trên 6.000 quả bom các loại mà máy bay địch trút xuống. Riêng anh phá được gần 2.000 quả bom các loại. Ngày 8-10-1968, Hoàng Lộc cùng hai chiến sĩ ra mặt đường, dùng những cây sào dài 5m móc vào dây kíp giật cho bom nổ. Bốn quả bom đã nổ, đến quả thứ 5 thì dây kíp đứt. Nhanh như cắt, Hoàng Lộc lao tới chụp lấy trái bom ném thẳng xuống vực. Quả thứ 6, rồi thứ 7... đúng lúc Hoàng Lộc tiến lại gần thì bom nổ. Mảnh bom chặt đứt cánh tay cùng hàng chục vết cắt trên người anh, máu chảy nhiều, anh hy sinh trên đường đi cấp cứu khi chưa tròn 22 tuổi. Hoàng Lộc là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu cho tinh thần yêu nước, một nhân cách người Hà Nội. Anh được truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhì và Danh hiệu Anh hùng LLVTND ngày 18-6-2009.
Năm 1964, cô thiếu nữ Bùi Thị Đầm vừa tròn 14 tuổi, tạm biệt quê hương huyện Đức Hòa, tỉnh Long An lên đường đi đánh Mỹ. Ngày 20-4-1965, T.Ư Cục miền Nam thành lập đơn vị TNXP C100 (đơn vị TNXP giải phóng miền Nam đầu tiên) thì cô được bổ sung vào bộ phận cứu thương, học lớp y tá ngắn hạn và phục vụ tại bệnh xá Tổng đội TNXP. Từ đó cô y tá Bùi Thị Đầm cùng đơn vị phục vụ chiến dịch Đồng Xoài, các trận đánh ở Lai Khê, Suối Đá, biên giới Campuchia… Rồi cô gặp đem lòng yêu thương anh TNXP Lê Minh Công - người Củ Chi, T.P Hồ Chí Minh. Đám cưới hai người tổ chức ngoài trời giữa rừng già của vùng chiến khu Tây Ninh, căn cứ của T.Ư Cục miền Nam năm 1972. Đất nước thống nhất, hai người lên ấp 6, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Tây Ninh lập nghiệp. Ông bà khai phá được 10ha đất rẫy, nhưng thấy người nơi khác đến làm ăn khó khăn hơn, ông bà “cho không” 3ha đất rẫy mà không lấy một đồng tiền công khai khẩn. Khi có “của ăn của để” ông bà lại phải sang nhượng thêm 3ha cho một nông dân khác. Thấy gia đình hàng xóm “mẹ góa con côi”, ông bà lại cho không 4,5 sào đất và tiền san ủi hết 2,5 chỉ vàng. Tham gia xây dựng nông thôn mới, hai ông bà hiến đất làm con đường dài gần 400m, rộng hơn 6m, bằng 2.400m2 đất. Với 2ha cao su cho thu nhập trên 15 năm nay và 1,5ha vườn trái cây xen canh, gồm bưởi da xanh, ổi cao sản, mít Thái và quýt đường, chanh không hạt… tạo việc làm cho 5 công lao động; mỗi năm trừ các chi phí, ông bà thu nhập trên 200 triệu đồng. Hằng năm cứ đến Tết Nguyên đán, ông bà lại tổ chức họp mặt, liên hoan, tặng quà cho các cựu TNXP, người cao tuổi và bà con nghèo, khó khăn trên địa bàn với số tiền gần 10 triệu đồng.
Gần 70 năm bền lòng, vững chí theo lời Bác Hồ dạy, lực lượng TNXP Việt Nam là biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước của thanh niên. Không những Đảng ta, nhân dân ta vô cùng tự hào, mà cả thanh niên tiến bộ trên toàn thế giới cũng phải hết sức khâm phục.
Tô Kiều Thẩm