Cựu nữ Dũng sĩ Trường Sơn: Lo trọn việc nước, việc nhà
Trang trại của gia đình Dũng sĩ Nguyễn Thị Chính.
Năm 1971, khi ở tuổi 17, nữ đoàn viên Nguyễn Thị Chính, ở xã Thái Tân, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương xung phong gia nhập Đoàn Dân công hỏa tuyến của huyện, trực tiếp phục vụ chiến đấu tại tuyến đường Trường Sơn với thời hạn 18 tháng...
Đoàn Dân công hỏa tuyến của Nguyễn Thị Chính mang mật danh DC71C gồm 170 người, được chia thành 5 tiểu đội, trong đó có 3 tiểu đội nữ, 2 tiểu đội nam. Đơn vị đóng ở địa phận xã Hương Trạch, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh để thực hiện nhiệm vụ thường trực lấp hố bom, sửa đường, đảm bảo thông xe trên cung đường qua Hương Trạch - Phúc Trạch - Hương Liên - Hương Lâm. Đến tháng 5-1972, đơn vị được điều động vào Đường 9, nhận nhiệm vụ tại cung đường dài 12km từ ngầm Khe Sanh trở lên, thuộc đất huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đây là cung đường bị máy bay địch đánh phá thường xuyên, không kể ngày đêm. Tại cung đường khốc liệt này, đơn vị dân công bị nhiều trận bom rải thảm của địch, trong đó có những trận bom sát thương…
Trong một trận bom B52, sau bữa cơm chiều đã cướp đi sinh mạng của 5 đồng đội. Nguyễn Thị Chính cùng mọi người nén đau thương, đưa thi thể đồng đội về lán để sáng hôm sau mai táng. Nhưng ngay trong đêm ấy, B52 lại đến đánh bom, 12 đồng đội nữa bị hy sinh. Buổi sáng hôm sau, thi thể 17 đồng đội được mai táng trên sườn đồi. Đau thương, mất mát quá lớn, khiến mọi người thêm mạnh mẽ trước bom đạn và yêu thương, gắn bó với nhau hơn. Trong những ngày tháng tiếp theo, cả đơn vị hừng hực khí thế, đoàn kết thành một khối, dũng cảm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Cô và nhiều đồng đội được cấp trên trao tặng danh hiệu “Dũng sĩ”...
Sau 2 năm phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn, vượt thời hạn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Đoàn Dân công hỏa tuyến 71C giải thể. Nguyễn Thị Chính trở về với quê hương Thái Tân yêu dấu của mình...
Trở về địa phương ở tuổi 19, Nguyễn Thị Chính lại lăn xả vào phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, hăng hái gia nhập “Đội chủ lực” của xã Thái Tân, đảm nhận nhiệm vụ chống bão lụt, sản xuất nông nghiệp, xây dựng quê hương...
Với bản chất thật thà, hay lam, hay làm, lại nhanh nhẹn, khỏe mạnh, hiền dịu, cô đã lọt vào mắt xanh nhiều chàng trai làng. Tháng 8-1976, Nguyễn Thị Chính kết hôn với anh bộ đội Nguyễn Huy Chữ - một “Dũng sĩ diệt Mỹ” hơn cô 1 tuổi, ở thôn Phong Kim, xã Phú Điền, cùng huyện, cách nhà gần 20km. Chỉ sau thời gian ngắn, cô đã tạo được sự tin yêu của gia đình chồng cùng bạn bè và bà con lối xóm.
Hơn 1 năm sau, khi chồng cô được xuất ngũ và chuyển ngành về Công ty Xây dựng thương nghiệp tỉnh, Chính sinh con gái đầu lòng bụ bẫm. Năm 1993, anh Chữ về nghỉ theo chế độ mất sức. Cô động viên chồng cùng nhau làm kinh tế gia đình theo mô hình hệ sinh thái “VACR” (vườn - ao - chuồng - ruộng). Với hơn 4.000m2 thùng vũng nhận thầu, hai vợ chồng lập vùng nuôi cá, trồng cây ăn quả và chăn nuôi lợn, vịt. Nơi đây trở thành một trang trại nhỏ. Ngoài ra, cô còn có 1 sào ruộng, 1 năm làm 3-4 vụ. Những năm đầu, thu lãi từ trang trại được từ 10 đến 15 triệu đồng. Mức thu lãi tăng dần qua từng năm, rồi ổn định ở mức 50 đến 55 triệu đồng/năm, đủ trang trải cho các con ăn học và còn xây được ngôi nhà hơn 50m2 kiên cố...
Đến nay, bà Nguyễn Thị Chính đã ngót 70 tuổi, với 2 cháu nội và 4 cháu ngoại, nhưng vẫn là hội viên tích cực của Hội Phụ nữ, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xã Phú Điền). Bốn người con đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng.
Chỉ còn năm nữa, bà Nguyễn Thị Chính thuộc vào lớp tuổi “xưa nay hiếm”. Công việc “VACR” đã thu lại chỉ còn “VAR”. Tuy vậy, thu nhập hằng tháng của gia đình vẫn không thua kém ai trong làng.
Ban Chấp hành Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh xã Phú Điền đã tặng cho hội viên Nguyễn Thị Chính danh hiệu “Nữ chiến sĩ Trường Sơn: Dũng cảm, trung hậu, đảm đang”
Bài và ảnh: Trương Văn Nhi