Cựu lính tâm huyết với văn hóa đọc
Năm 2008, Nhà văn hóa thôn được xây dựng, Thư viện được chuyển về Nhà văn hóa với 2 phòng đọc rộng rãi, đầy đủ bàn ghế phục vụ bạn đọc. Được sự ủng hộ thường xuyên của nhân dân về sách báo, bàn, ghế cùng 15 giá sách, ông cùng Ban Chủ nhiệm sắp xếp thứ tự, gọn gàng, ngăn nắp từng loại sách để dễ quản lý phục vụ. Đồng thời, phân công mỗi người mỗi việc như vào sổ đăng ký, cấp thẻ bạn đọc, cho mượn, thu hồi sách và tuyên truyền giới thiệu sách theo hướng dẫn của cán bộ Thư viện Hà Nội, nên sách, báo được quản lý chặt chẽ, không mất mát, suy chuyển. Đến nay Thư viện đã có trên 10.000 đầu sách, gồm nhiều chủng loại: chính trị-xã hội-văn hóa, khoa học-kỹ thuật, thiếu nhi, pháp luật cùng 5 tờ báo, hằng ngày phục vụ bạn đọc… Thư viện mở cửa tất cả các buổi chiều trong tuần từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút. Hoạt động của Thư viện đã góp phần khôi phục, phát triển văn hóa đọc trong nhân dân địa phương.
Để duy trì hoạt động của Thư viện, CCB Lương Văn Tăng cùng với Ban Chủ nhiệm có sáng kiến tổ chức lực lượng cộng tác viên vừa làm công tác phục vụ bạn đọc, vừa là đối tượng phục vụ của thư viện với 118 người. Ông còn đến làm việc với các nhà trường và Đoàn Thanh niên cấp thẻ cho 527 thanh thiếu niên; trung bình hằng tháng có đến hơn 1.000 người đến đọc và mượn sách. Mặc dù không có chế độ bồi dưỡng vật chất, nhưng Ban Chủ nhiệm và làm việc rất tâm huyết, nhiệt tình trong 17 năm nay, với mong muốn góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. “Hữu xạ tự thiên hương”, tiếng tăm của Thư viện Văn Bình được nhiều nơi trong nước biết đến. Trong 17 năm qua, Thư viện đón 70 đoàn khách T.Ư và các địa phương đến thăm, động viên, trao đổi rút kinh nghiệm, trong đó có Đoàn Thư viện Quốc gia, Vụ Thư viện của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Bảo tàng Dân tộc học và cả Thư viện Hoàng gia Thụy Điển. Năm 2016, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, ông Phan Tâm -
Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông đến thăm, kiểm tra và tặng sách cho Thư viện.
Ngoài chức Chủ nhiệm Thư viện, ông Tăng còn được địa phương giao nhiệm vụ Chi hội trưởng Chi hội Khuyến học và là cộng tác viên dư luận xã hội, cộng tác viên lịch sử Đảng của Huyện ủy. Trong những năm từ 1999-2016, ông đã chủ trì biên soạn 7 cuốn lịch sử và tham gia biên soạn 5 cuốn lịch sử Đảng bộ các xã, các ngành quân sự, Công đoàn huyện Thường Tín.
Với những thành tích nổi bật, 17 năm qua, Thư viện thôn Bình Vọng được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội, Thư viện Quốc gia và chính quyền các cấp.
Cá nhân Chủ nhiệm Lương Văn Tăng được Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen; đặc biệt, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen trong dịp tổng kết 5 năm về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh (2011-2015). Ông xứng đáng là một đảng viên mẫu mực, Hội viên CCB gương mẫu, hội viên Người cao tuổi “Tuổi cao gương sáng” được nhân dân tin yêu, lãnh đạo tin tưởng.
Lương Khánh Diện