Cựu chiến binh với phong trào làm kinh tế
Cựu chiến binh Khuất Thế Bình (bản Cẩm Trung 1, xã Mường Than) chăm sóc vườn bưởi.
Từ phong trào “Cựu chiến binh (CCB) giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, cán bộ, hội viên Hội CCB các cấp huyện Than Uyên luôn gương mẫu, nỗ lực vươn lên lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo. Bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa nay lại được phát huy trên mặt trận mới bằng từng hành động cụ thể, thiết thực.
Hiện nay, Hội CCB huyện có 2.090 hội viên, sinh hoạt ở 125 chi hội thuộc 13 tổ chức hội cơ sở; trong đó 1.729 hội viên làm nông nghiệp, số hội viên làm dịch vụ 126 hội viên, các ngành nghề khác 235 hội viên. Phần lớn CCB khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân đội trở về địa phương đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn về kinh tế, thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm, không có nghề nghiệp; đại đa số CCB còn thiếu kiến thức về kinh tế - kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Để đưa phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” mang lại hiệu quả, thiết thực, Hội CCB các cấp trong huyện tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, hội viên nắm và hiểu rõ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết về nội dung phát triển kinh tế của tỉnh, huyện. Trên cơ sở đó, các cấp hội vận dụng xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch thúc đẩy phong trào thi đua phát triển kinh tế. Đẩy mạnh các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ hội viên CCB về phát triển sản xuất, kinh doanh, nắm chắc từng đối tượng hộ nghèo để có kế hoạch tư vấn, bồi dưỡng kiến thức; chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tín chấp vay vốn đầu tư vào sản xuất.
Ông Hoàng Thanh Sơn - Chủ tịch Hội CCB huyện Than Uyên cho biết: “Phong trào được triển khai rộng khắp trong các cấp hội và đang trở thành động lực quan trọng trong các phong trào thi đua. Hội luôn phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, gắn phát triển kinh tế với giảm nghèo và giải quyết việc làm. Tăng cường công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nảy sinh, nhân rộng những cách làm mới, mô hình kinh tế điển hình đến CCB. Giúp cho nhiều hội viên học hỏi vươn lên thoát nghèo, nâng cao đời sống, làm giàu chính đáng”.
Nhằm nâng cao kiến thức, khoa học kỹ thuật làm kinh tế, hằng năm Hội chỉ đạo các cơ sở hội cử cán bộ, hội viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về giảm nghèo, vay vốn, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Từ đó, giúp hội viên nâng cao nhận thức, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế, trồng trọt và chăn nuôi, kinh nghiệm quản lý, bảo quản chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá… vận dụng tốt vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Ngoài ra, Hội chủ động ký kết văn bản liên tịch với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua tổ vay vốn giúp CCB nghèo vay các nguồn ưu đãi sử dụng vào sản xuất kinh doanh, làm kinh tế có hiệu quả. Bằng nhiều giải pháp, các cấp hội đã huy động được 79 tỷ 277 triệu đồng cho CCB vay vốn. Các tổ chức hội xây dựng quỹ hội, đến nay có 13/13 tổ chức hội có quỹ với số tiền 822 triệu đồng, trong đó cho vay lãi suất thấp là 580 triệu đồng, giúp cho 26 hộ thoát nghèo.
Từ phong trào ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu vượt khó vươn lên thoát nghèo và sản xuất, kinh doanh giỏi như CCB: Phạm Văn Ba (xã Mường Kim); Phạm Văn Mười, Đỗ Văn Quang (thị trấn); Mai Văn Nho, Kiều Văn Quang, Khuất Đình Sâm (xã Mường Than); Khuất Thế Bình, Nùng Văn Thích (xã Mường Cang)... Lĩnh vực xây dựng dịch vụ có Doanh nghiệp Trường Thành, Hợp tác xã Thanh Xuân, Hợp tác xã Minh Thuận… đều do CCB làm chủ. Ngoài ra còn có 13 mô hình gia trại và trên 150 mô hình kinh tế hộ gia đình; hàng năm cho thu nhập từ 50 - 80 triệu đồng/hộ. Toàn huyện có 3 doanh nghiệp vừa và nhỏ; 4 hợp tác xã, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động là hội viên và con em CCB.
CCB Khuất Thế Bình (bản Cẩm Trung 1, xã Mường Than) chia sẻ: “Phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, năm 2015, tôi cải tạo vườn tạp sang trồng bưởi da xanh và bưởi diễn. Với diện tích hơn 1ha với trên 500 cây bưởi da xanh, bưởi diễn, tôi vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh, cách tỉa cành… nên vườn bưởi phát triển tốt. Bình quân mỗi năm thu nhập trên 120 triệu đồng; đồng thời chia sẻ kinh nghiệm trồng bưởi, giống, kỹ thuật chăm sóc, bón phân, phòng trừ bệnh cho hội viên khác”.
Những hoạt động thiết thực trong đẩy mạnh phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” của Hội CCB huyện Than Uyên đã và đang giúp CCB từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn hội còn 80 hộ, hộ khá, giàu tăng lên 54,84%.
Uyên Linh