Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thùy.  

Từng là người lính tham gia giải phóng và chốt giữ quần đảo Trường Sa, sau đó đi học rồi trở thành giảng viên của Học viện Hải Quân. Năm 1988, vì lý do sức khỏe nên ông xin nghỉ chế độ để trở về với đời thường và tham gia làm kinh tế.

Hơn 30 năm vật lộn với cuộc sống, Cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thùy đã thành công trên nhiều lĩnh vực kinh doanh như: Nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch, taxi Quốc tế, bất động sản, xăng dầu, chứng khoán… và trở thành Chủ tịch Hội doanh nhân cựu chiến binh của tỉnh Khánh Hòa.

Tham gia giải phóng Trường Sa

Ông Nguyễn Xuân Thùy sinh năm 1956 tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, đầu năm 1974 ông xung phong lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) làm lính Thông tin, chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng. Giữa tháng 3-1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Bộ tư lệnh Quân khu 5 và Bộ tư lệnh Hải Quân nghiên cứu phương án tác chiến, nắm bắt thời cơ thuận lợi để tiến đánh giải phóng Trường Sa. Đêm 11-4-1975, Nguyễn Xuân Thùy cùng nhiều chiến sĩ của Trung đoàn 38 và Lữ đoàn Đặc công 126 nhận được lệnh bí mật xuống 3 con tàu đã được cải trang thành tàu đánh cá tiến ra giải phóng các đảo ở Trường Sa.

Hơn 2 ngày lênh đênh trên biển, chiều 13-4-1975, tàu của ông đã đến được đảo Song Tử Tây. Rạng sáng 14-4-1975 lực lượng đặc công nước của Lữ đoàn 126 cùng bộ binh được lệnh tiếp cận, tiến công đánh chiếm đảo. Mặc dù địch kháng cự quyết liệt, nhưng với quyết tâm và hiệp đồng chặt chẽ, chỉ sau một giờ chiến đấu, đảo Song Tử Tây đã được giải phóng, tiếp theo là các đảo Nam Yết, Sinh Tồn và một số đảo khác… Đến 9 giờ sáng 29-4-1975 đơn vị cuối cùng của Lữ đoàn 126 đã chiến đấu làm chủ đảo Trường Sa lớn và giải phóng hoàn toàn quần đảo Trường Sa.

Sau hơn một năm cùng đồng đội giữ chốt trên đảo, tháng 6-1976, Nguyễn Xuân Thùy được trên cho về thăm gia đình và cử đi học khóa sĩ quan tàu mặt nước tại Trường Sĩ quan chỉ huy-kỹ thuật Hải quân (Nay là Học viện Hải quân), sau đó học tiếp ở Học viện Chính trị quân sự rồi quay trở lại làm giảng viên của Học viện Hải quân. Năm 1988, sức khỏe của ông giảm sút do ảnh hưởng của chất độc da cam trong thời gian chiến đấu trên chiến trường Quân khu 5 nên ông được đơn vị giải quyết cho nghỉ chế độ mất sức 61%.

Trở về đời thường, ông vẫn luôn mang trong mình phẩm chất truyền thống của anh Bộ đội Cụ Hồ, không chịu đầu hàng trước cái đói, cái nghèo. Dù sức khỏe có hạn nhưng ông vẫn quyết tâm làm kinh tế để trở thành doanh nhân thành đạt và là Chủ tịch Hội doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Khánh Hòa.

Doanh nhân thời mở cửa

Rời quân ngũ với hai bàn tay trắng, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thùy đã phải bươn chải bằng đủ thứ nghề để vật lộn với cuộc sống. Từ làm mắm, nuôi heo và mua bán tôm giống đến kinh doanh ăn uống…, cứ nghề nào thấy làm được so với sức của mình là ông tham gia nhưng vẫn thấy nghèo, nhiều lúc ông muốn buông xuôi theo số phận. Nhưng bằng ý chí và nghị lực của người lính Cụ Hồ, cùng với sự động viên giúp đỡ của bạn bè, năm 1991 ông chuyển hướng sang kinh doanh mua bán phế liệu và bắt đầu làm ăn có hiệu quả.

Ngày 26-1-1998 doanh nghiệp tư nhân Thành Hưng được thành lập, sau một thời gian kinh doanh đến ngày 6-7-2007, doanh nghiệp đổi tên thành Tổng công ty Cổ phần Thương mại và du lịch quốc tế do ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị có số vốn ban đầu hơn 20 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh đa ngành: Nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch, taxi quốc tế, bất động sản, xăng dầu… Qua nhiều năm xây dựng và phát triển, đến nay Tổng công ty của ông đã phát triển số vốn lên đến gần 3.000 tỷ đồng, doanh thu hàng năm bình quân đạt gần 500 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 2.000 lao động ở địa phương, trong đó có nhiều cựu chiến binh là quân nhân mới xuất ngũ và con em các cựu chiến binh, gia đình chính sách, thu nhập bình quân từ 10 đến 15 triệu đồng/người/tháng.

Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, dịch Covid-19 bùng phát, cũng giống như các doanh nghiệp khác trong cả nước, việc kinh doanh của Tổng công ty bị ảnh hưởng một phần do lượng khách du lịch đến Nha Trang giảm sút. Với vai trò là người cầm lái con thuyền, để xử lý tốt bài toán trả lương cho cán bộ, nhân viên và duy trì doanh nghiệp phát triển. Ngoài việc xây dựng kế hoạch và bố trí nhân lực thích ứng với những ngành nghề được phép kinh doanh trong mùa dịch, ông Nguyễn Xuân Thùy còn trích một phần lợi nhuận của của Tổng công ty từ những năm trước để trả lương cho cán bộ, nhân viên, đồng thời chuyển hướng kinh doanh, đưa công ty niêm yết trên sàn chứng khoán với tên gọi Quốc tế Holding.

Bà Bùi Hoàng Ngân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và du lịch quốc tế cho biết: “Ngoài việc thành công trong kinh doanh và tạo việc làm cho con em cựu chiến binh, gia đình chính sách, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thùy còn thường xuyên tham gia đóng góp cho các chương trình nghĩa tình đồng đội, giúp đỡ các cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là các cựu chiến binh và Ban liên lạc bộ đội Trường Sa tại Khánh Hòa. Ông cũng là người có tâm, có tầm, biết quy tụ các mối quan hệ, kết nối mọi người nên rất được tín nhiệm. Hiện ông đang là Ủy viên thường vụ Ban chấp hành Hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nhân CCB tỉnh Khánh Hòa, Chủ tịch Hội bất động sản Nha Trang và Trưởng ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa…”.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong kinh doanh, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Thùy cho biết: “Thương trường như chiến trường”, nếu như trong chiến trường vũ khí là yếu tố quyết định sự thắng lợi thì trong kinh doanh chất lượng sản phẩm, dịch vụ sẽ là bí quyết giúp tăng cao lợi nhuận. Chính những năm tháng chiến đấu trên chiến trường và tham gia giải phóng, chốt giữ quần đảo Trường Sa đã giúp cho tôi tôi luyện ý chí và nghị lực để khi trở về với đời thường, tôi vẫn không ngừng phát huy nghị lực ấy- nghị lực của một người lính Trường Sa…!!!!

MAI VĂN ĐÔNG