Cựu chiến binh T.P Đà Nẵng: Dẫn đầu trong cảm hóa trẻ nghiện hút ma túy
Đồng chí Hoàng Lê - Chủ tịch Hội CCB quận Hải Châu trao tiền hỗ trợ học nghề cho các cháu từng sử dụng ma túy nay đã tiến bộ.
Những năm gần đây, T.P Đà Nẵng có trên 3.000 người liên quan đến ma túy. Trong đó khoảng 80% nghiện các chất ma túy tổng hợp và phần lớn có tiền án, tiền sự, nhiều trường hợp bị loạn thần do ngáo đá. Và đặc biệt là các đối tượng ngày càng trẻ hóa.
Trước thực trạng đó, ngày 20-8-2014, Ban Thường vụ Thành ủy thành phố ra Chỉ thị 37, nhằm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm ma túy, tệ nạn ma túy và giao cho các đoàn thể như Hội CCB, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và Công an nhận giáo dục, cảm hóa các cháu (dưới đây gọi tắt là trẻ bị nghiện).
Thực hiện Chỉ thị của Thành ủy Hội CCB thành phố ra Nghị quyết Chuyên đề - vừa quán triệt, xác định quyết tâm, tìm giải pháp thực hiện, vừa đề ra những giải pháp phù hợp để thực hiện theo chỉ tiêu từng năm (năm 2016: 40 trẻ, năm 2017: 45 trẻ, năm 2018: 40 trẻ, năm 2019: 32 trẻ). Đây cũng là chỉ tiêu thi đua đối với các cấp Hội; có tổng kết, khen thưởng hằng năm.
Hội CCB xác định nhiệm vụ phòng, chống ma túy nói chung, phối hợp cảm hóa trẻ bị nghiện là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, liên tục, lâu dài.
Đây là nhiệm vụ đòi hỏi phải vừa quyết tâm, vừa kiên trì và mỗi trẻ có một phương pháp cảm hóa khác nhau. Hội giao cho Thường trực Hội thành phố thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ việc triển khai thực hiện của các cấp Hội, nhất là những địa bàn có trẻ dương tính với ma túy. Đồng thời thành Hội tổ chức 9 lớp bồi dưỡng về phương pháp tiếp cận, giáo dục trẻ bị nghiện, với 680 hội viên tham gia.
Đồng chí Huỳnh Minh Chức - Chủ tịch Hội CCB thành phố cho biết: “Ngay sau khi mở các lớp bồi dưỡng, Hội mở ngay các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về phòng chống ma túy nói chung, cảm hóa trẻ bị nghiện nói riêng. Một vấn đề được thống nhất trong các hội thảo là phải đến với trẻ bằng tình thương yêu của người ông, người cha thực thụ” thì mới cảm hóa được trẻ”.
Với phương châm “khó đâu gỡ đó”, tìm mọi phương thức, bằng mọi cách để giúp trẻ tiến bộ, từng cấp Hội, thậm chí từng hội viên có biện pháp, cách tiếp cận, hình thức giúp đỡ riêng với từng thanh thiếu niên, như phối hợp với công an, đoàn thể cùng cấp tổ chức gặp mặt gia đình và bản thân các em để nghe tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh, tư vấn tâm lý, hướng dẫn kỹ năng sống và tổ chức nói chuyện chuyên đề về tác hại của ma túy, tạo chuyển biến về nhận thức trong cộng đồng với sự đồng thuận trong nhân dân cũng như gia đình và bản thân trẻ.
Qua công tác giáo dục, cảm hóa các cháu của các cấp Hội CCB xuất hiện và lan tỏa nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo, như Hội CCB Quận Hải Châu với mô hình “4 trong 1+4” (1 đối tượng TTN dương tính với ma túy, có 4 đại diện trực tiếp gồm Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội cấp phường, Chi hội trưởng CCB khu dân cư, 1 hội viên gần nhất, có uy tín và 1 công an khu vực), 4 đại diện phối hợp (đại diện gia đình, tổ trưởng dân phố, đại diện đoàn thể khu dân cư, nếu là nữ thì chi hội trưởng phụ nữ, nếu thanh niên thì đại diện chi đoàn và bí thư chi bộ), được thực hiện từ 2016 đến nay ngày càng đi vào nền nếp.
Kết quả, Hội CCB quận Hải Châu cảm hóa được 16/19 em tiến bộ, không tái nghiện và 200 em vi phạm các tệ nạn khác trưởng thành. Quận Hội còn vận động được trên 200 triệu đồng để hỗ trợ các em học nghề, học chữ, sắm phương tiện sinh kế.
Ở phường An Khê, quận Thanh Khê, Hội CCB có mô hình “CLB Bình Minh” cảm hóa hàng chục em tiến bộ. Xuất hiện nhiều điển hình, như CCB Trương Thị Kim Anh, Chi hội trưởng CCB Hòa Phú 1A, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cảm hóa thành công 3 em và 1 em phạm tội trộm cắp tài sản công dân hoàn lương.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, giáo dục cảm hóa, 3 năm qua, từng cấp Hội liên hệ, vận động sự hỗ trợ của xã hội cộng với 489 triệu đồng, nguồn kinh phí của thành phố cấp để cho trẻ học nghề, hỗ trợ việc làm, phương tiện sinh kế.
Nhất là những trẻ có nguyện vọng trở lại trường học, đều nhận được ngay sự giúp đỡ chu đáo của Hội, như giúp tiền đóng học phí, mua sách vỡ, sắm phương tiện đi lại để trẻ tiếp tục đến trường.
Bằng tình thương và trách nhiệm với thế hệ trẻ, 3 năm qua (2016-2018) Hội CCB T.P Đà Nẵng đã cảm hóa hàng trăm trẻ từ bỏ các tệ nạn xã hội, trong đó có 94/125 trẻ bỏ hẳn ma túy. Nhiều trẻ trưởng thành vượt bậc, như cháu: Huỳnh Thị Thanh Ng., phường Bình Thuận từ một trẻ nghiện hút, nay trở thành chủ quầy bán gạo. Hay như Trần Quang Đ. trở thành nhân viên pha chế có tay nghề cao ở các khách sạn lớn trong thành phố...
Thật khó mà kể hết niềm vui mừng của những người cha, người mẹ có con bị nghiện hút được các cô, các chú CCB giúp cảm hóa thành công.
Với những thành tích đạt được Hội CCB T.P Đà Nẵng được Thành ủy, UBND thành phố biểu dương bầu chọn là đơn vị dẫn đầu trong khối chính trị - xã hội và cũng là đơn vị có nhiều biện pháp, cách làm sáng tạo, bền vững trong giúp đỡ trẻ bỏ hẳn nghiện hút ma túy, hòa nhập trở lại với cộng đồng.
Nguyễn Phát