Ông cứ ngồi lặng người đi vì thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là ân nhân của ông gần 60 năm qua. Đêm khó ngủ, ngày lại lại lật từng trang Tổng tập hồi ký mà Đại tướng đã ký tặng ông (6 tập, mỗi tập khổ 19x27, gồm 1.360 trang), tất cả, đều là những kỷ niệm đẹp về Đại tướng. Tuy tuổi cao, nhưng rất minh mẫn, ông kể, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị tướng huyền thoại của thế kỷ 20, báo chí nước ngoài, kể cả đối phương cũng hết lời ca tụng. Với tôi, giờ đây những kỷ niệm đẹp nhất, tự hào nhất cuộc đời mình, chính là những lần được gặp vị tướng huyền thoại. Vẫn biết cái quy luật nghiệt ngã của đời người là thế, nhưng chắc chắn không chỉ riêng tôi, mà cả dân tộc ta và cả nhân loại tiến bộ trên thế giới đều tiếc thương Đại tướng. Có nhiều vị tướng từng đến thăm tôi và “ghen tỵ” với tôi rằng, tôi đã có đến bốn lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Theo lời kể, lần đầu tiên ông gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp là lúc ông tham gia Mặt trận 23 tháng 10 năm 1945 (Nha Trang, Khánh Hòa). Trong 101 ngày đêm quân và dân Nha Trang nổ súng kháng chiến đánh giặc Pháp, ngay sau khi chúng quay lại cướp nước ta lần thứ hai. Cùng với cả nước, Nha Trang sục sôi khí thế cách mạng chống quân Pháp xâm lược. Cuộc nổi dậy của quân và dân Nha Trang là cuộc kháng chiến đầu tiên được xem là điển hình tại các tỉnh Nam Trung Bộ, đã gây tiếng vang lớn và đã vinh dự được Đại tướng vào thăm và khen ngợi.*** ***Tuy nhiên, trong bốn lần được gặp Đại tướng, kỷ niệm sâu sắc nhất với ông, đó là lần gặp Đại tướng vào đầu tháng 5-1957 tại Điện Biên, ông nhớ lại: “Sau khi tham gia Mặt trận 23 tháng 10-1945, được tổ chức phân công ở lại hoạt động trong nội thành. Năm 1950 bị địch bắt, hầu hết anh em chúng tôi đã bị tù đầy ở Khám Lớn (Nha Trang), rồi bọn địch lại chuyển đến nhà lao Chí Hòa (Sài Gòn). Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng (1954), tôi được tập kết ra Bắc và làm y tá tại Trung đoàn 55, trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh, cùng anh em tham gia việc cứu đói, tu bổ đường 41 từ Suối Rút (Hòa Bình) lên Điện Biên Phủ. Lần đó, (tháng 9-1954) tôi vinh dự được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên. Đại tướng rất gần gũi, hỏi han chúng tôi ân cần. Điện Biên ở thời điểm đó trời giá rét, Đại tướng lo lắng anh em chúng tôi, vì mới ra khỏi nhà tù đế quốc, đã từng bị kẻ địch tra tấn dã man, rất nhiều đồng chí sức khỏe bị ảnh hưởng. Tại đây, sau khi tìm hiểu rõ sự việc, nơi ăn, ở, Đại tướng lấy khăn lau những giọt nước mắt lăn dài trên má. Liền sau đó đã chỉ đạo kịp thời, chuyển chúng tôi về đồng bằng để học tập và công tác”.

Trong thời gian về đồng bằng, từ một y tá của Trung đoàn, ông được cử đi học ở Đại học Y khoa Hà Nội, ra trường về công tác ở Hòa Bình, rồi Bệnh viện Việt Đức Hà Nội (1966 - 1975). Đất nước thống nhất ông trở về cống hiến cho quê hương. Trong những năm công tác ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nhớ ơn Đại tướng, ông ra sức cống hiến và bác sĩ Kiều Xuân Cư đã trở thành một trưởng khoa, liên tục 10 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Năm 1988, ông vinh dự được nhận Huân chương Lao Động hạng Ba…Để bày tỏ tình cảm chân thành của mình, nhân dịp mừng thọ Đại tướng 85 tuổi (năm 1997), ông đã đặt làm một câu đối in trên gỗ khảm xà cừ, với nội dung: “Xưa Bạch Đằng Giang dậy sóng, Trần Hưng Đạo dìm giặc Nguyên Mông vang dội Á - Âu. Nay Điện Biên Phủ bão lửa, Võ Đại tướng thắng quân Pháp - Mỹ chấn động địa cầu”, rồi lặn lội ra Hà Nội chúc thọ Đại tướng (lần gặp thứ 4).

Cứ mỗi lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, bác sĩ Kiều Xuân Cư lại thể hiện sự kính trọng bằng việc làm thiết thực, ông say mê sưu tầm những bộ tem về Đại tướng và về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Trong số hơn 1.000 con tem đang sở hữu, có gần nửa là tem liên quan đến chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại tướng. Không chỉ có tem, ông còn lưu giữ rất nhiều tư liệu, sách, hồi ký về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đến nay, ông có đầy đủ tất cả bộ tem về kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ bộ tem đầu tiên sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đến các bộ tem kỷ niệm 20 năm, 30 năm, 40 năm và 50 năm kỷ niệm.

Giờ đây, ngoài việc dành phần lớn thời gian cho hoạt động từ thiện như: tham gia Hội Ái mộ Yersin tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo, tham gia Hội từ thiện Trầm Hương, cùng với Hội đã góp phần giúp cho cả ngàn người nghèo được mổ mắt, được phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch…đồng thời bác sĩ Kiều Xuân Cư luôn dành thời gian cho việc sưu tầm những tư liệu, hình ảnh về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông tâm sự: “Việc sưu tầm tem như một cách ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, về Đảng, về Bác Hồ và về Đại tướng. Chỉ cần xem lại những con tem với những hình ảnh về lịch sử dân tộc lòng tôi lại cảm thấy tự hào lắm và mãi mãi kính phục Người”.

Để thay cho lời kết, bác sĩ Kiều Xuân Cư nhắc lại lời ông Võ Hồng Nam (con trai của Đại tướng) kể: “Ba tôi lúc nào cũng canh cánh trở lại thăm đồng bào ở các vùng chiến khu xưa, vùng Tây Bắc - Việt Bắc đã nuôi ba và đồng đội suốt chín năm kháng chiến chống giặc Pháp. Ông luôn nhắc lại cho chúng tôi câu chuyện về một người chiến sĩ ở Bắc Kạn có tên là Hiệu, mặc dù bị kẻ địch bắn trọng thương, lúc sắp hy sinh vẫn dặn vợ, nhà còn lạng cao hổ cốt nhớ mang cho ba bồi dưỡng vì ba đang ốm nặng. Ba nói với chúng tôi rằng, chúng ta chiến thắng vì có những người dân tốt như thế”. Đặc biệt, trong buổi gặp mặt kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đại tướng, GS Phan Huy Lê đã phát biểu: “Trong 10 thiên tài quân sự của thế kỷ và trong 50 thiên tài quân sự của cả lịch sử thế giới được công nhận, ông là vị tướng duy nhất không được đào tạo bài bản qua một trường quân sự chính quy nào, kiến thức quân sự của ông hoàn toàn là tự học, tự đào tạo”.

Vâng! Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng huyền thoại và hạnh phúc nhất của dân tộc ta, vì ông hiểu được chiến thắng chỉ có được là nhờ những người dân tốt và tin yêu ông như thế. Đại tướng luôn giữ được tình yêu với những người cán bộ, chiến sĩ mình và người dân trong suốt cả cuộc đời. Y tá của Trung đoàn 55 ở Điện Biên Phủ ngày ấy, bác sĩ Kiều Xuân Cư và giờ đây là Cụ Kiều Xuân Cư mãi mãi tin yêu Đại tướng như thế.

Trần Công Thi