“Cướp” mà không phải “cướp”
Người Mông có nền văn hoá rất phong phú, giàu bản sắc, sinh hoạt tinh thần pha trộn giữa đạo lí người Mông và đạo lí đạo Gia Tô. Việc lựa chọn bạn đời được biểu hiện ở tục “cướp vợ”.
Vào mùa xuân, những chàng trai Mông rộn ràng hẹn bạn chuẩn bị cho ngày đi "cướp vợ" còn gọi là kéo vợ. Tục này có từ rất lâu đời. Những đôi trai gái đến tuổi cập kê yêu nhau, hẹn hò ở trên rừng, trên đường, hay phiên chợ. Yêu nhau, nhưng nữ không tự bước chân về nhà trai. Cái lý của cô gái là: “Ta thích nó, nó thích ta thì nó phải kéo ta về”.
Kéo vợ có thể xảy ra ở chợ, trên nương, ngoài đường hoặc trong nhà cô gái. Trước đó, chàng trai nhờ thêm vài người, hay họ hàng của mình cùng đi giúp. Trong lúc tâm sự, chàng trai nắm tay cô gái nói: “Hôm nay ta kéo mày về làm vợ ta”. Khi kéo, hai người đến hai bên tỳ vào nách cô gái, để hai cánh tay cô lên vai và nhấc bổng để chân cô không chạm đất. Có trường hợp cô gái chưa biết hoặc không đồng ý thì chống trả quyết liệt và kêu khóc thảm thiết.
Theo lệ của người Mông khi đi “kéo vợ”, nhà trai không được phép đánh lại nhà gái. Kéo được cô gái về, nhà trai để cô gái ngủ cùng với các chị em gái của chàng trai ba đêm. Sáng dậy, nhà trai đưa cô gái về nhà. Khi đến nhà gái chàng trai phải quỳ lạy nhà gái để làm quen. Bố mẹ chàng trai nhờ ông mối mang thuốc lào và rượu sang bên nhà gái để báo tin để làm lễ dạm hỏi. Qua ba ngày đó nếu cô dâu chấp thuận thì tổ chức đám cưới. Nếu nhà gái không đồng ý thì bên nhà trai đi tìm hiểu người khác - nghĩa là sau tục “cướp vợ” thành công mới tiến tới lễ cưới và lễ lại mặt.
Tục cướp vợ là nét văn hóa độc đáo của người Mông, vừa bảo vệ, vừa khẳng định tình yêu mãnh liệt và khát vọng về một gia đình hạnh phúc. Như thế có thể hiểu rằng từ “cướp” trong cướp vợ của người Mông, không có nghĩa xấu như động từ “cướp” tiếng Việt: Dùng vũ lực cướp của người khác.
Gần đây, trong thực tế, ở một vài địa phương ở một số dân tộc khác có tình trạng “đua đòi” thực hiện những hành động “bắt vợ” quá trớn, xúc phạm nhân cách phụ nữ, dung dưỡng nạn tảo hôn...
Chính quyền và các đoàn thể cần hướng dẫn, vận động dân bản hiểu và giữ gìn chiều sâu văn hóa của phong tục “cướp vợ” của đồng bào Mông, nhằm giữ gìn những nét đẹp của văn hóa truyền thống.
Phạm Văn Hà