“Rằng, tôi đang ngồi họp, lúc ấy đã gần cuối giờ ngày 20-4-1955 thì có người vỗ nhẹ vào vai, tôi quay lại thì ra là anh. Anh ghé vào tai tôi nói nhỏ: Bình tĩnh nhé, lát nữa nghe Đoàn ủy tuyên bố công nhận chính thức cho chúng mình đấy”.
Trước giờ kết thúc cuộc họp buổi chiều. Đoàn ủy thông báo một tin vui: “Được sự ủy nhiệm của Chính ủy Đại đoàn 320, Đoàn ủy xin tuyên bố công nhận đồng chí Lê Ngọc Hiền, cán bộ tham mưu của đại đoàn và đồng chí Lương Ngọc Thư, cán bộ của Đội 13, Đoàn II, hôm nay chính thức là vợ chồng. Chúng ta chúc mừng hai đồng chí xây dựng hạnh phúc lâu bền…”. Mọi người ngơ ngác hỏi nhau: Cô dâu và chú rể đâu, sao không lên chào quan khách nhỉ? Anh nhìn tôi tủm tỉm cười rồi nháy mắt ra hiệu cho tôi im lặng. Anh không sắm vai “chú rể”, tôi cũng không sắm vai “cô dâu”. Tôi vẫn ăn mặc như mọi ngày; quần đen, áo nâu, đầu chít khăn mỏ quạ. Ngày cưới của chúng tôi đặc biệt như thế đấy.
Bác sĩ Lương Ngọc Thư kể tiếp: “Nhà tôi ra đi đột ngột vì bệnh tim hiểm nghèo, không kịp dối dăng điều gì. Tôi mở ngăn kéo bàn, anh có một sổ tiết kiệm chắt chiu được 80 triệu đồng. Tôi đem sổ đi lĩnh tiền, họ đòi phải có giấy kết hôn. Cái hồi chúng tôi lấy nhau làm gì có giấy đó. Chỉ có bức thư của Đại đoàn 320 làm chứng nhận thôi. Tôi đem giấy chứng nhận của Đại đoàn 320 ra - một loại giấy giá thú đặc biệt, quỹ tiết kiệm họ cho nhận liền”.
Vào dịp sinh nhật lần thứ 77 của bà Lương Ngọc Thư, bà đã cho in cuốn sách tự tay bà viết: “Anh và Thư”. Đây là một cuốn sách kỷ niệm quý báu của bác sĩ, phu nhân của Thượng tướng Lê Ngọc Hiền.
Cử Nhân