Cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”: Về con dao tông khắc chữ C3TP được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam
Kỷ vật của nữ Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Vân Liệu
Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam hiện đang lưu giữ con dao tông, có khắc chữ “C3TP” - kỷ vật của nữ Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Vân Liệu tại trọng điểm Cua chữ A trên đường 20 Quyết Thắng.
Cua chữ A là một trọng điểm trong cụm trọng điểm A.T.P (cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích) trên đường 20. Với địa thế hiểm yếu, nhưng đặc biệt quan trọng, nên thời chiến tranh, không ngày nào máy bay địch không đánh phá cua Chữ A. Loại bom được chúng sử dụng chủ yếu ở đây là bom phá; bom nổ ngay và bom nổ chậm. Thông thường chúng đánh kết hợp cả hai loại bom này. Những quả bom nổ chậm chui xuống đất hoặc bị đất đá vùi lấp trở thành những “kẻ sát nhân giấu mặt”.
“Kẻ sát nhân giấu mặt” có loại chui sâu dưới đất 1-2m. Loại này không ngại lắm. Khi phát hiện được, công binh ta thả xuống một lượng TNT, chủ động kích nổ. Loại thả xuống nằm chềnh ềnh trên mặt đường là nguy hiểm nhất. Khi phát nổ không chỉ để lại hố bom, mà còn gây sạt lở một khối lượng đất đá rất lớn, gây tắc đường kéo dài, buộc bộ đội, TNXP phải mất nhiều sức lực, thời gian để khắc phục.
Xử lý loại bom nổ chậm lộ thiên, thời gian đầu, chúng tôi tập trung 5-7 người hò nhau vần lăn bom xuống vực. Nhưng do tính chất nguy hiểm, có lần vừa lăn xuống được vài mét thì bom phát nổ, nên chúng tôi phải tìm cách phá khác. Một tổ 3 người tiếp cận quả bom, áp bộc phá vào thân bom và cho nổ. Cách này chủ động, an toàn và nhanh hơn. Nhưng sau khi bom nổ, bao giờ cũng để lại hố sâu, phá hỏng mặt đường, mất nhiều công sức để khắc phục.
Tiểu đội phó Nguyễn Thị Vân Liệu hằng ngày cùng anh em chúng tôi không quản hiểm nguy, vất vả, san lấp hố bom để kịp thông đường. Nhiều hôm, thấy chị bần thần, lo lắng, tôi hỏi:
- Có chuyện gì mà chị đăm chiêu, lo lắng thế?
- Cách phá bom thế này không ổn - chị bảo - Phải tìm cách khác, hiệu quả, an toàn hơn, mà vẫn giữ được mặt đường.
Sau nhiều lần trực tiếp phá bom, nghiên cứu thực địa, chị Liệu nghĩ ra cách đặt bộc phá ở phía dưới, nơi quả bom tiếp giáp mặt đất, không buộc bộc phá vào thân quả bom như trước. Kết quả, bộc phá nổ, hất quả bom lên cao và kích bom nổ, không làm tổn hại nhiều đến mặt đường. Từ kết quả ban đầu, chị tiếp tục nghiên cứu, tìm ra cách tối ưu là buộc bộc phá ở vị trí 2/3 thân bom tính từ đầu quả bom, và chỉ cần 4 bánh TNT là đủ hất quả bom lên; không dùng nhiều, lãng phí, còn nếu dùng ít sẽ không đủ lực hất bom lên. Với loại đất xốp ở cua Chữ A, thì khi thao tác để cài bộc phá, không cần cuốc, xẻng mà chỉ cần một con dao tông là đủ.
Cách phá bom này sau khi áp dụng trên thực tế rất hiệu quả. Cũng từ đó, con dao tông có khắc chữ C3TP gần như là “vật bất ly thân” đối với Tiểu đội phó Vân Liệu. Với chị, con dao tông đặc biệt này còn như báu vật, vì đó là kỷ vật trong một lần chị cùng đồng đội cứu thương binh, cứu xe hàng bị máy bay địch đánh cháy.
Đó là một ngày cuối đông năm 1967. Trời rét căm căm. Vào khoảng 8 giờ tối, một đoàn xe tải chở hàng vượt cua Chữ A bị máy bay địch đánh trúng. Một chiếc xe nặng hàng nằm rệ hẳn ra phía ta-luy âm, sắp lăn xuống vực. Cả tiểu đội trực chiến lao ra; người thì dùng xẻng dập lửa, người thì cứu hàng... Nghe tiếng rên trên xe, biết có người bị thương kẹt trong buồng lái, chị Liệu lao đến. Trong ánh lửa, chị thấy cánh tay chiến sĩ lái xe đầm đìa máu. Vết thương quá nặng, chị quyết định phải cầm máu ngay. Muốn thắt ga-rô để cầm máu, nhưng băng không có. Chị cởi áo ngoài, dùng tay xé, dùng răng cắn xé, nhưng vẫn chưa được. Không nhanh thì người lẫn xe có thể rơi xuống vực. Trong tình thế hiểm nghèo đó, bỗng anh lái xe thều thào: Ở dưới đệm ghế có con dao...
Lấy được con dao, chị lập tức cắt một miếng áo để thắt ga-rô cầm máu, rồi dùng dao đập cửa kính, kịp đưa anh thương binh ra khỏi buồng lái trước khi chiếc xe lăn xuống vực. Đúng lúc, một loạt bom nữa rơi xuống bên cạnh. Chị nhoài người, dùng toàn thân che chắn cho anh.
Khi bộ phận cáng thương đến chuyển người thương binh đi, chị còn kịp đưa con dao cho đồng đội và dặn: Mang theo con dao, để trên đường có chuyện gì còn xử lý và nhớ bàn giao cẩn thận cả con dao nữa. Nó là vật đã cứu sống anh ấy đấy.
Ở Trường Sơn ngày ấy, nhất là tại các trọng điểm, việc cứu người, cứu xe… là nhiệm vụ của công binh, TNXP, nên câu chuyện hôm đó cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.
Khoảng hơn một tháng sau, trong một lần đang trực, chị Liệu nghe anh em gọi: Chị Liệu ơi, có anh lái xe hỏi thăm chị.
Chui ra khỏi hầm, chị bắt gặp anh lái xe người tầm thước, đầu đội mũ sắt, mặc áo chống đạn, tay cầm con dao tông. Một thoáng bối rối, anh hỏi tên người đã cứu mình, rồi trao cho chị con dao và nói: Em và con dao này đã cứu sống anh. Anh vô cùng biết ơn em. Hãy giữ lấy làm kỷ niệm.
Tiếng còi xe thúc dục, người lái xe chạy vội về xe mình và chiếc xe lăn bánh... Chị không kịp hỏi tên anh.
Mấy hôm sau, cầm con dao, chị mới phát hiện bên sống dao có khắc mấy chữ: “C3TP”; con dao đã cũ, nhưng nét khắc còn mới. Chắc chắn mấy chữ này mang một thông điệp đặc biệt mà chị không giải mã nổi. Cũng từ đó, con dao tông có mấy chữ khắc là “vật bất ly thân” với chị Liệu, nhất là những lúc chị đi phá bom, con dao góp phần làm nên bề dày chiến công của người nữ Anh hùng.
Hoàng Văn Kính
* Đồng chí Hoàng Văn Kính nguyên là chiến sĩ cùng tiểu đội với Anh hùng Vân Liệu.