Cuộc thi viết “Hào khí Trường Sơn”: Thương nhớ người Chính ủy
Nhớ lắm. Một ngày tháng 2-1972, đơn vị pháo phòng không 12 ly 7 chúng tôi triển khai nhiệm vụ chiến đấu trên đường 16, từ ngầm E qua bản Phồn vào thị trấn Thà Teng, thuộc đất Nam Lào. Đoạn đường này người Pháp làm từ thời chiến tranh Đông Dương. Trên tuyến đường Trường Sơn, ta tận dụng một đoạn để tiếp nối vào đường mới mở, xuyên lên Bô Lô Ven, đưa vũ khí hạng nặng như xe tăng T54, pháo 130 ly... vào mặt trận.
Một hôm, Đại đội trưởng Loan (quê Hải Dương) giao cho tôi là Nguyễn Đình Sinh với chức tổ trưởng, cùng 2 đồng chí nữa làm nhiệm vụ trinh sát tuyến đường 16, phát hiện bom, mìn đảm bảo an toàn cho Đoàn của Chính ủy Đặng Tính đi công tác.
Đúng 6 giờ sáng hôm sau, ba anh em chúng tôi súng ống nai nịt, đầy đủ cơ số đạn, với bình tông nước, nắm cơm vắt giắt lưng... cẩn trọng từng bước đi, từng động tác, căng mắt quan sát những vật cản, bom, mìn. Phát hiện quả nào, chúng tôi cắm que đánh dấu rõ ràng, tránh va động vào chúng, dễ gây thương vong.
Chiều xuống, những tia nắng cuối ngày sắp tắt. Chúng tôi tới bên bờ sông Bạc. Đứng ngắm dòng nước, ngắm những đàn cá lượn lờ sát bờ. Cái khát, cái đói trong cổ họng, trong dạ dày lúc này lại cồn lên réo gọi dữ dội. Chúng tôi bảo nhau, ném 2 lạng bộc phá TNT, sau khi đã điểm hỏa xuống cái vũng nhỏ, nước trong xanh tưởng như không chuyển động. Sau tiếng nổ tung cột nước trắng xóa. Những con cá to, nhỏ chết trắng nổi lềnh bềnh. Cá vớt lên. Nồi xoong chẳng có. Đành ném chúng vào đống lửa mà chúng tôi đã nhen lên từ lá rừng, đang rừng rực cháy.
Dàn xếp ổn thỏa cái bụng, chẳng còn “cồn cào, gào thét”, cái khát cũng biến mất từ lúc nào. Đi tiếp một đoạn, bước vào Sở chỉ huy tiền phương, chúng tôi báo cáo đã hoàn thành nhiệm vụ của tổ trinh sát, trong suốt 12 giờ liền với đoạn đường dài khoảng 20km với lãnh đạo.
Đại úy Minh - Binh trạm phó, kiêm Tham mưu trưởng Binh trạm 46 bắt tay, vỗ vai khen ngợi, động viên chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng được giao.
Đêm ấy, ba chúng tôi ngủ tại sở Chỉ huy tiền phương. Lười, chẳng mắc võng, màn vì mệt. Lá khô được gom lại làm ổ nằm, tăng võng gối đầu, đắp màn lên mặt chống muỗi đốt. Sương xuống, đêm rừng se se lạnh. Tiếng chim từ quy khắc khoải gọi bạn. Đau ê ẩm, lẫn cái mệt toàn thân, nào có ngủ được, đang mơ thiêm thiếp. Chợt như có bàn chân lạ đá đá nhẹ vào sườn, tôi bừng thức.
- Đồng chí Sinh dậy dậy... Giọng nói thoảng trong đêm.
- Tôi vùng đứng lên, tay dụi dụi đôi mắt cay xè.
- Đồng chí đưa Thủ trưởng về Đoàn bộ 559 họp.
- Rõ! - Tôi đáp.
Đứng trước tôi là Thủ trưởng Đặng Tính. Tôi nhận ra ông ngay. Người mà cách đây năm, sáu năm về trước, tôi được gặp ở Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân ở Bạch Mai. Ngày ấy, tôi là cộng tác viên Báo Quân chủng, bút danh Hoài Giang. Các tin, bài của tôi thường được đưa cho ông đọc. Ông góp ý rất chân thành, coi như anh em, con cháu trong gia đình. Nay trong nhiệm vụ, tình cờ được gặp lại ông. Ông chẳng khác xưa là mấy, vẫn cái dáng cao kều. Mái tóc muối tiêu cắt ngắn. Một Thủ trưởng xông xáo, nhiệt huyết, sâu sát trong lãnh đạo, luôn vui vẻ, thương yêu quý mến lính.
Trước giây phút xúc động, tôi thưa với ông:
- Báo cáo Chính ủy! Đường hiện nay có rất nhiều mìn “râu tôm”. Để đảm bảo an toàn, Thủ trưởng phải điều lực lượng công binh tới phá. Chúng tôi đã cắm tiêu, đánh dấu cẩn thận...
Thế là đêm ấy, chúng tôi khẩn trương chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Tăng, võng được cuộn gọn nhét vào túi đựng mìn, khoác lên người. Đúng 12 giờ đêm, chúng tôi lên đường làm nhiệm vụ.
Chuyến đưa Chính ủy Đặng Tính hôm ấy về Đoàn bộ 559 an toàn. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nào ai ngờ...
Một ngày đau buồn tháng 4-1973, đơn vị chúng tôi đang mau lẹ hành quân vào Tây Ninh. Chợt, một tin sét đánh ngang tai qua đài phát thanh báo: Đại tá Đặng Tính - Chính ủy Đoàn X hy sinh ngày 4-4-1973. Tôi ngẩn ngơ không tin ở tai mình. Muốn điều ấy chẳng phải là sự thật phũ phàng;
Không những chỉ đơn vị chúng tôi mà toàn quân đã thương tiếc, kính cẩn để tang ông.
Mãi sau này tôi mới được biết ông hy sinh trong một chuyến đi công tác lên cao nguyên Bô Lô Ven. Chiếc xe ông ngồi đã không may chèn phải mìn của địch. Trong chuyến đi ấy còn có khoảng năm, sáu đồng chí nữa hy sinh.
Hôm nay, sống trong hòa bình, hạnh phúc. Đã 45 năm, kể từ ngày ông hy sinh, trong tâm trí tôi ngày đêm vẫn nhớ mãi về ông. Những kỷ niệm về ông lại ùa về trong tôi. Quên sao được một ngày mùa khô năm 1972, tôi cùng các đồng chí, đồng đội trong tổ trinh sát, đã đưa ông về Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh 559 an toàn...
Nguyễn Đình Sinh - Bắc Ninh, ngày 12-10-2018.