Cuộc sống mới ở Hòa Hiệp

Những ngày cuối năm này, chúng tôi đã có dịp về xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, nơi có 2.180 hộ, với hơn 10.700 khẩu, trong đó đồng bào Công giáo chiếm đến 93%. Gây ấn tượng với chúng tôi khi đến đây là bộ mặt nông thôn hoàn toàn đổi mới, hệ thống giao thông liên thôn được đổ bê tông sạch đẹp, thông thoáng. Những ngôi nhà mới xây dựng kiên cố, khang trang. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống dưới 7%, tình hình an ninh chính trị, trật tự luôn ổn định. Hòa Hiệp phấn đấu đạt chuẩn xã NTM vào cuối năm 2017. Để đạt được kết quả này, trong những năm qua, chính quyền xã và ban tự quản các thôn tích cực phối hợp với các chức sắc, Giáo xứ Hòa Hiệp, các giáo họ vận động giáo dân gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sống “tốt đời, đẹp đạo” và chung tay xây dựng NTM. Tiêu biểu là thôn Kim Phát, toàn thôn hiện có 578 hộ với 2.647 nhân khẩu, trong đó có 97,8% số hộ theo Công giáo. Từ năm 2011 đến 2016, giáo dân trong thôn tự nguyện hiến hơn 3.100m2 đất; tháo dỡ hơn 5.550m2 hàng rào, đóng góp hơn 1,8 tỷ đồng, 1.600 ngày công lao động xây dựng được 8,8km đường nhựa, đường bê tông, 3,2km mương thoát nước và một số công trình phúc lợi xã hội khác. Trong năm 2016, Giáo xứ Kim Phát vận động bà con đóng góp xây dựng được 26 nhà tình thương với kinh phí 780 triệu đồng tặng các hộ gặp khó khăn về nhà ở. Hơn 2 năm qua, Giáo xứ Kim Phát được chọn triển khai mô hình điểm “Ba an toàn về an ninh trật tự”.
Chúng tôi đến phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, địa phương có đông đồng bào Công giáo sinh sống; đi thăm các con đường bê-tông rộng rãi, sạch đẹp do giáo dân đóng góp xây dựng vừa hoàn thành được biết, toàn phường có 2.658 hộ với 14.480 khẩu, trong đó đồng bào Công giáo chiếm đến 92,6%. Được sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, sự quan tâm của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, giáo dân nơi đây đã vượt qua khó khăn, dám nghĩ dám làm, cần cù lao động sản xuất cho nên cuộc sống không ngừng nâng cao về mọi mặt, số hộ nghèo giảm còn 4,3%. Năm 2015, Thống Nhất được công nhận phường văn hóa. Không chỉ vươn lên làm giàu chính đáng, trong năm 2017, Giáo dân ở ba tổ dân phố Hợp Thành 1, 2, 3 đóng góp kinh phí gần 6 tỷ đồng cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước làm được 5km đường bê-tông; Giáo xứ Vinh Đức vận động giáo dân đóng góp xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các hộ khó khăn, ủng hộ người dân vùng bị bão lụt, trẻ em khuyết tật, học sinh nghèo... với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Tại T.P Buôn Ma Thuột, chúng tôi ghé thăm lớp học Tình thương Vinh Sơn tại số 75 đường Lê Thánh Tông, phường Thắng Lợi. Hơn 20 năm nay, từ lớp học này, đã có hàng trăm trẻ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, cơ nhỡ được dạy dỗ, hòa nhập với cộng đồng. Trong năm học 2017-2018, lớp học Tình thương Vinh Sơn có 260 em theo học từ lớp 1 đến lớp 5 đến từ nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có 110 em dân tộc thiểu số. Xơ Trần Thị Hiến, quản lý lớp học chia sẻ: Mỗi em ở đây có một cảnh đời khác nhau nên việc dạy các em biết được con chữ, phép toán là điều rất khó khăn. Cô giáo Phạm Thị Mơ gắn bó với lớp học Tình thương Vinh Sơn từ ngày đầu thành lập đến nay tâm sự: “Việc dạy dỗ các em hết sức vất vả nhưng các nữ tu và giáo viên luôn cố gắng dạy dỗ, giáo dục các em khôn lớn để giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Suốt thời gian gắn bó với lớp học, tôi được chứng kiến nhiều em trưởng thành, hòa nhập tốt với cộng đồng. Đây là niềm động viên để tôi tiếp tục gắn bó với các nữ tu chăm sóc, dạy dỗ các em nên người”.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có hơn 217.000 tín đồ Công giáo và hơn 188.000 tín hữu Tin lành. Những năm qua, được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp chính quyền, giáo dân và tín hữu Tin lành luôn hoạt động theo đúng pháp luật, có cuộc sống ổn định, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu chính đáng. Một sức xuân mới đang ngập tràn khắp nơi.
Hoàng Gia - Công Lý